thị giả

Phật Quang Đại Từ Điển

(侍者) Phạm,Pàli:Ante-vàsin. Chỉ cho vị tăng theo hầu bên cạnh sư phụ hoặc bậc Trưởng lão. Cứ theo kinh Đại bát Niết bàn quyển 40 (bản Bắc) thì trong 7 Phật ở đời quá khứ, đệ tử thị giả của Phật Tì bà thi tên là A thúc ca, đệ tử thị giả của Thi khí Như lai tên là Sai ma ca la, đệ tửthị giảcủa Phật Tì xá phù tên là Ưu ba phiến đà ca la, đệ tử thị giả của Phật Cưu thôn đà tên là Bạt đề, đệ tử thị giả của Phật Ca na hàm mâu ni tên là Tô để, đệ tử thị giả của Phật Ca diếp tên là Diệp bà mật đa và đệ tử thị giả của Phật Thích ca tên là A nan. Cũng kinh trên còn nói rằng đệ tử thị giả của 7 đức Phật đều đầy đủ 8 pháp như: Tín căn vững chắc, tâm ý ngay thẳng… cho nên có khả năng giữ gìn 12 thể tài kinh. Trong các tùng lâm, chức vụ thị giả thông thường do vị sa di lợi căn hoặc vị tỉ khưu mà tuổi hạ còn thấp đảm nhận, quan hệ giữa vị này và Trưởng lão (hoặc Sư phụ, hoặc Trụ trì) rất gần gũi, ngoài việc xử lí các việc lặt vặt, vị thị giả chẳng những sớm hôm nghe theo lời chỉ dạy, mà còn học tập, quán xét về đạo đức của các ngài, cho nên đặc biệt được bậc Trưởng lão xem trọng và thường được coi là người kế thừa y bát hoặc pháp tịch. Lại tùy theo chức vụ khác nhau, thị giả được chia làm nhiều loại. Theo Thiền uyển thanh qui, Thị giả được chia làm 2 loại là Nội thị và Ngoại thị. Còn theo Sắc tu Bách trượng thanh qui thì Thị giả được chia làm 5 loại: Thiêu hương thị giả: Thị giả theo hầu vị Trụ trì ở điện Phật để thắp hương; Thị hương: Người ở bên cạnh vị Trụ trì để đốt hương, ghi chép các pháp ngữ khi vị Trụ trì thướng đường, tiểu tham, phổ thuyết, khai thất, niệm tụng, phóng tham… nhưng trong Thanh qui chỉ nêu danh xưng Thiêu hương thị giả và công việc mà vị này phụ trách, chứ không có chức Thị hương; Thư trạng thị giả: Người thay thế vị Trụ trì phụ trách việc thư tín qua lại và tất cả văn kiện trong Sơn môn; Thỉnh khách thị giả(cũng gọi là Thị khách): Người phụ trách việc tiếp dẫn tân khách, nhưng chỉ tiếp những khách có quan hệ với vị Trụ trì, còn khách về các việc khác thì do vị Tri khách tiếp đãi; Thang dược thị giả(cũng gọi Thị dược): Trông coi việc thuốc thang cho vị Trụ trì; Y bát thị giả(cũng gọi Thị y): Phụ trách việc áo bát và các đồ dùng của vị Trụ trì. Tóm lại, 5 vị Thị giả là: Thiêu hương thị giả, Thư trạng thị giả, Thỉnh khách thị giả, Thang dược thị giả và Y bát thị giả. Ngoài ra, người theo hầu bên cạnh vị Trưởng lão, gọi là Thị lập. Người phụng sự Thánh tăng trong Tăng đường, gọi là Thánh tăng thị giả, Kiêm Bỉnh phất thị giả. Nơi các vị Thị giả ở, gọi là Thị giả liêu, Thị tư, Trạch mộc liêu; người ở trong Liêu thị giả mà không giữ chức vụ Thị giả, gọi là Bất li vụ thị giả. Ngoài Thánh tăng thị giả và Y bát thị giả, các thị giả khác trong 5 chức thị giả sau này sẽ được kế nhiệm chức Lập ban đầu thủ của Tây tự, cho nên cũng gọi là Lập ban tiểu đầu thủ.