thế giới phật giáo đồ liên nghị hội

Phật Quang Đại Từ Điển

(世界佛教徒聯誼會) World Fellowship of Buddhists. Cũnggọi Thế giới Phật giáo hữu nghị hội, Thế giới Phật giáo đồ hội nghị. Gọi tắt: Thế Phật hữu nghị hội, Thế Phật liên, Thế Phật hữu. Tổ chức Phật giáo quốc tế, do học giả Phật giáo người Tích lan là Tiến sĩ G.P Malalasekera đề xướng sáng lập. Vào tháng 5 năm 1950, Đại hội lần thứ nhất được tổ chức tại Colombo, Thủ đô nước Tích lan, gồm các đại biểu của 29 quốc gia và khu vực tham dự. Tôn chỉ của hội là phổ biến giáo nghĩa của đức Phật và đẩy mạnh việc liên hợp các tín đồ Phật giáo, đồng thời, qua sự quyết định của hội nghị, lấy ngày trăng tròn tháng 5 dương lịch hằng năm làm ngày Phật đàn (Nam truyền), bầu Tiến sĩ Malalasekera làm Chủ tịch, phát hành tờ báo củaHội lấy tên là Thế Phật liên bình luận. Tổng bộ ban đầu được đặt ở Colombo, Tích lan. Năm 1952, Đại hội lần thứ 2 được tổ chức tại Nhật bản, quyết định dùng lá cờ 6 màu làm giáo kì của Phật giáo thế giới. Từ khi được thành lập đến nay. Hội này đã tổ chức tất cả 15 lần Đại hội: Đại hội thứ nhất được tổ chức tại Kandy và Colombo, Tích lan, vào năm 1950, Đại hội lần thứ 2 được tổ chức tại Tokyo và Kyoto ở Nhật bản vào năm 1952, Đại hội lần thứ 3 được cử hành tại Rangoon, thủ đô Miến điện, vào năm 1954, Đại hội lần thứ 4 được khai diễn ở Katmandu, thủ đô nước Nepal, vào năm 1956, Đại hội lần thứ 5 được triệu tập tại Bangkok, Thái lan, vào năm 1958, Đại hội lần thứ 6 nhóm họp ở Kim biên tại Cao miên vào năm 1961, Đại hội lần thứ 7 được tổ chức ở Tân đề li tại Ấn độ vào năm 1964, Đại hội lần thứ 8 tại Thái lan vào năm 1966, Đại hội lần thứ 9 tại Cát long pha và Tân thành ở Mã lai á vàonăm 1969, Đại hội lần thứ 10 tại Colombo ở Tích lan vào năm 1973, Đại hội lần thứ 11 ở Bangkok, Thái lan, vào năm 1976, Đại hội lần thứ 12 ở Đông kinh và Kinh đô tại Nhật bản vào năm 1978, Đại hội lần thư 13 tại Bangkok, Thái lan, vào năm 1980, Đại hội lần thứ 14 tại Colombo, Tích lan, vào năm 1984, Đại hội lần thứ 15 ở Ketmandu, Nepal, vào năm 1986. Đại hội cứ cách 2 năm hoặc 3 năm được cử hành một lần, thành viên của Hội gọi là Địa khu trung tâm, gồm 34 quốc gia và địa khu gia nhập, có tất cả 71 địa khu trung tâm.