thế gian bát tâm

Phật Quang Đại Từ Điển

(世間八心) Cũng gọi Thuận thế bát tâm. Đối lại: Vi thế bát tâm. Chỉ cho 8 tâm thiện của phàm phu thế gian từ lúc mới sinh khởi đến giai đoạn cuối cùng. Mật tông dùng các giai đoạn sinh trưởng của thực vật làm ví dụ, theo thứ tự sinh khởi của phàm phu thế gian trước Kiến đạo thuộc Thanh văn mà chia thiện tâm này làm 8 thứ gọi là Thế gian bát tâm. Đó là: 1. Chủng tử tâm: Tức thiện tâm đầu tiên của thế gian. Nghĩa là phàm phu bỗng nhiên sinh khởi tâm niệm tiết thực trì trai (nhưng không phải giới Bát quan trai trong Phật pháp), vì trì trai nên ít muốn, biết đủ, tâm sinh hoan hỉ và luôn luôn tu tập. Đây là tâm đầu tiên biết nhân quả thiện ác, giống như hạt giống của thực vật nên gọi là Chủng tử tâm. 2. Nha chủng tâm: Từ đó tiến thêm bước nữa, vào ngày trì trailại bố thí tài vật cho những người thân tộc; do đó, một mặt không còn phải bận tâm lo cất giữ tài vật, mặt khác lại được họ hàng khen ngợi, kính yêu, cho nên cảm thấy vui vẻ, tâm thiện hơi tăng lên; giống như cái mầm (nha) của thực vật từ trong hạt giống hơi nhú ra, cho nên gọi là Nha chủng tâm. 3. Pháo chủng tâm: Muốn thành tựu thiện pháp trì trai ở giai đoạn trước thì thường phải tu tập tâm vô tham, mở rộng phạm vi bố thí cho đến những người ngoài thân tộc họ hàng, nhờ công đức lợi ích của tâm bố thí bình đẳng này mà thiện tâm tăng thêm gấp bội; giống như cái thân của mầm thực vật được nuôi lớn, cho nên gọi là Pháo chủng tâm. 4. Diệp chủng tâm: Phạm vi huệ thí tuệ xả trong giai đoạn trên được mở rộng, dần dần lựa chọn đối tượng bố thí, gần gũi cúng dường những bậc đức hạnh cao cả; giống như thân cây đã lớn, cành lá dần dần nảy sinh, cho nên gọi là Diệp chủng tâm. 5. Phu hoa tâm: Tức tính trí tuệ dần dần khơi mở, lại chọn ra đối tượng bố thí, hoan hỉ bố thí nhữngngườilàm nghề kĩ nhạc và các bậc tôn túc, vì những người làm kĩ nhạc có khả năng giáo hóa đại chúng, làm cho họ vui vẻ, còn các bậc tôn túc thì có học vấn, đức hạnh cao thượng làm khuôn mẫu cho người đời, cho nên khi bố thí cho các ngài thì tâm vui mừng gấp bội; giống như sau khi cành lá sumsuê, tươi tốt thì hoa tự nhiên trổ và nở rộ, cho nên gọi là Phu hoa tâm. 6. Thành quả tâm: Đối với việc tu tập đã thuần thục, chẳng những chỉ hoan hỉ mà còn bố thí tâm thân ái cho người có học vấn, đức hạnh cao cả, nhờ nhân duyên này mà được lợi nghe pháp, từ đó sinh tâm kính tín qui y, xa lìa dục vọng phiền não; giống như hoa đã nở rộ thì dần dần kết thành trái, cho nên gọi là Thành quả tâm. 7. Thụ dụng chủng tử tâm: Rõ biết 3 nghiệp ác đều là nhân của các loại phiền não, cho nên giữ gìn giới pháp, nhờ đó, đời hiện tại được ích thiện, tiếng tăm vang vọng và sau khi chết được sinh lên cõi trời; giống như quả đã chín thì được dùng hạt của nó, cho nên gọi là Thụ dụng chủng tử tâm. 8. Vô úy y tâm: Chỉ cho thiện tâm trên hết của thế gian, tức ở trong dòng sinh tử trôi chảy, cầu được tâm nương tựa không sợ hãi. Nghĩa là mình biết gần gũi cúng dường bậc có học vấn, đức hạnh cao cả, lại thấy trì giới được lợi thiện mà dần dần biết nhân quả, lại nghe thiện tri thức nói có Đại thiên ban cho mọi điều vui thích, nếu thành kính cúng dường thì mọi điều mong cầu đều được như ý, liền khởi tâm qui y, tuy chưa nghe Phật pháp nhưng biết chư thiên nhờ tu nhân lành mà được quả báo lành. Lại nghe Phật pháp, nhất định tin nhận qui y mà được tâm vô úy. Trong Đại nhật kinh sớ của ngài Thiện vô úy, thì Vô úy y tâm lại được chia làm 2 là Thù thắng tâm và Quyết định tâm, nên cộng thành 10 tâm.Thù thắng tâm là tâm sinh khởi trí quánKhông để cầu giải thoát, còn Quyết định tâm là tâm tu nhân thành tựu mà chứng được lí không.