thất xứ trưng tâm

Phật Quang Đại Từ Điển

(七處徵心) Chỉ cho 7 chỗ gạn hỏi về tâm. Trên hội Lăng nghiêm, đức Phật gạn hỏi ngài A nan về 7 chỗ ở của tâm và mắt, ngài A nan lần lượt trả lời 7 chỗ, nhưng đều bị đức Phật bác, gọi là Thất xứ trừng tâm. Trước lúc hội Lăng nghiêm diễn ra, ngài A nan đi khất thực bị nàng Ma đăng già dùng bùa chú mê hoặc, gần mất giới thể, Phật ở xa biết rõ việc gì đang xảy ra cho ngài A nan, nên Phật sai bồ tát Văn thù đem thần chú Thủ lăng nghiêm đến cứu A nan đưa về. Trên hội Lăng nghiêm, đức Phật gạn hỏi ngài A nan về chỗ ở của tâm và mắt, ngài A nan thưa mắt ở ngoài, tâm ở trong, đến khi nghe đức Phật giải thích tâm không phải ở trong thì ngài A nan lại trả lời là tâm ở ngoài. Cuộc vặn hỏi như thế cứ diễn ra liên tục, dồn ngài A nan đến chỗ không còn chấp trước được nữa mới thôi. Bởi vì đức Phật muốn phá trừ tâm phan duyên vọng tưởng của ngài A nan, làm cho tâm vọng tưởng ấy không còn chỗ nào để bám níu, nương tựa, nên Phật luôn bác lời luận đáp của ngài A nan để chỉ ra rằng chân tâm thanh tịnh mầu nhiệm này bao trùm khắp mọi nơi, không ở đâu mà không đâu chẳng ở. 1. Tâm ở trong thân: Đầu tiên, ngài A nan trả lời Tâm ở trong thân, mắt ở ngoài thân. Đức Phật bảo: Nếu tâm ở trong thân thì đáng lẽ phải nhìn thấy tim,gan, tì, vị… ở trong thân trước rồi mới thấy các cảnh vậtởbên ngoài. Nếu chẳng thấy các vật ở trong thân thì lẽ đâu tâm lại ở trong thân? 2. Tâm ở ngoài thân: Ngài A nan dùng đèn sáng làm ví dụvà nói: Tâm của chúng sinh ở bên ngoài thân nên không thấy trong thân, giống như đèn sáng ở bên ngoài căn phòng, cho nên không soi sáng được trong phòng. Đức Phật gạn hỏi: Nếu nói tâm ở ngoài thân thì thân và tâm khác nhau, đều không biết nhau, nhưng thật ra hễ thân biết thì tâm cũng biết và hễ tâm biết thân cũng biết, như vậy lẽ nào tâm ở ngoài thân? 3. Tâm núp sau con mắt: Ngài A nan dùng việc đeo kính làm ví dụ và thưa: Tâm núp phía sau con mắt, nếu khi mắt thấy cảnh vật thì tâm liền phân biệt theo mà không có chướng ngại, giống như đeo kính thì mắt vẫn thấy vật mà không có chướng ngại. Đức Phật nhận thấy ngài A nan ví dụ sai và quở rằng: Nếu kính ví dụ mắt thì mắt cũng nhìn thấy được; nếu mắt thấy được thì cũng đồng với cảnh rồi! Nếu mắt đồng với cảnh thì tâm khác với cảnh và cảnh khác với tâm, vậy lẽ nào tâm núp sau con mắt mà có thể phân biệt được? 4. Tâm ở trong chỗ tối: Ngài A nan lại chấp tâm ở trong chỗ tối và bạch Phật rằng: Thân của các chúng sinh, tạng phủ ở trong, khiếu huyệt ở ngoài, như con giờ đây, mở mắt thấy sáng là thấy bên ngoài, nhắm mắt thấy tối là thấy bên trong. Đức Phật hỏi gạn: Khi nhắm mắt thấy tối thì cái cảnh tối ấy có đối trước mắt không? Nếu có đối thì cái tối ở ngay trước mắt, làm sao mà thành ở trong? Còn nếu không đối trước mắt thì làm sao gọi là thấy được? 5. Tùy theo hợp với chỗ nào thì tâm ở đó: Sau 4 lần bị Phật bác, ngài A nan thưa: Tùy theo hợp với chỗ nào thì tâm ở đó, đức Phật lại gạn hỏi: Ông nói tùy theo hợp với chỗ nào thì tâm ở đó, nếu tâm không có thể tính thì không hợp được; còn nếu tâm có thể tính thìhãythử lấy tay tự đánh vào thân ông, chắc chắn tâm ông sẽ giác biết, vậy tâm giác biết ấy từ trong thân ra hay từ bên ngoài vào? Nếu từ trong ra thì tâm ở trong thân, còn nếu ở ngoài vào thì đáng lẽ tâm phải thấy cái mặt của ông. Tâm chẳng phải ở trong ở ngoài thì không có ra vào, ra vào đã không thì làm sao có thể tính; nếu không có thể tính thì cái gì tùy hợp? 6. Tâm ở khoảng giữa: Ngài A nan bạch Phật: Tâm ở khoảng giữa căn và trần. Phật lại hỏi: Nếu tâm ở khoảng giữa căn và trần thì thể tính của tâm gồm cảcăn và trần hay không gồm cả căn và trần? Nếu gồm cả căn và trần thì căn có biết mà trần thì không biết, căn và trần đối lập, ranh giới giữa có biết và không biết rạch ròi, như vậy làm sao nói được là ở khoảng giữa? Còn nếu không gồm thì chẳng thuộc căn, trần, tức không có thể tính, làm sao có khoảng giữa? 7. Tâm không bám dính vào đâu: Sau cùng, ngài A nan trả lời: Tất cả không bám dính, gọi đó là tâm. Nhưng đức Phật lại vặn hỏi Nếu nói không bám dính gọi đó là tâm, tức là tâm ông không bám dính vào tất cả sự vật hiện tượng thuộc thủy lục không hành trên thế gian này, nhưng những sự vật hiện tượng ấy là có hay không có? Nếu nói là không có thì cũng đồng với lông rùa sừng thỏ, làm sao còn có vật để không bám dính mà nói là không bám dính? Còn nếu nói là có thì vật có tâm cũng có, làm sao mà nói không bám dính được?