thật lợi luận

Phật Quang Đại Từ Điển

(實利論) Phạm:Arthazàstra. Thông thường, Arthazàtra là chỉ cho bộ luận của Ấn độ đời xưa bàn về các vấn đề như xử thế, tài, lợi… Loại luận thuyết này được thấy trong Lê câu phệ đà, về sau, trong văn học Thiên khải như Phạm thư… cũng tiếp tục phát triển luận thuyết này. Trong các luận điểm thuộc loại này, nổi tiếng nhất là bộ Khảo đề lạp thực lợi luận (Phạm:Kauỉiliya Arthazàstra). Sách này do Tể tướng của vua Chiên đà la cấp đa thuộc vương triều Khổng tước là Khảo đề lạp soạn, được viết bằng tiếng Phạm theo thể văn xuôi, gồm 15 thiên, 150 chương, cuối mỗi chương đều có thêm bài văn vần ngắn gọn, tóm tắt nội dung của chương ấy. Vào đầu thế kỷ XX, người ta đã phát hiện được bản chép tay của sách này. Đây là sách chỉ nam của các vấn đề xử thế, chính trị, quân sự, ngoại giao… Nội dung sách này bao gồm học thuật, ý nghĩa giáo dục, bí mật trinh thám, đô thành, thu thuế, các quan hành chính, tư pháp, các pháp chế, chính trị quốc tế, khai chiến và đồng minh, chiến đấu, chiếm lĩnh và hòa bình, chính sách làm cho đất nước giàu mạnh… Đối với Ấn độ là nước rất thiếu thốn về sách sử mà nói, thì sách này thật là sử liệu quí giá, là bộ sách rất quan trọng để hiểu rõ về tình hình thực tế liên quan đến trạng thái xã hội, tổ chức quốc gia… ở Ấn độ vào thời đại vua Chiên đà la cấp đa, đồng thời, cũng là sách tham khảo cần phải có trong tay các học giả cận đại khi viết về lịch sử Ấn độ. [X. Arthazàstra of Kauỉiliya, 1924, by Shamasastry; Geschichte der indischen Literatur, Bd. III, S.523, by M.Winternitz].