thất chủng nhị đế

Phật Quang Đại Từ Điển

(七種二諦) Chỉ cho 7 thứ chân đế và tục đế. Đó là: 1. Hai đế của Tam tạng giáo: Các thực pháp như ấm, giới, nhập… tạo thành sum la muôn tượng là tục đế, lí thể lãnh hội được do diệt trừ tục đế này là chân đế; tức chủ trương cho rằng các pháp có sinh thật, diệt thật, vì thế cũng gọi Thực hữu nhị đế, Sinh diệt nhị đế. 2. Hai đế của Thông giáo: Có giả là tục đế, có giả tức không là chân đế; chủ trương không thừa nhận có sinh thật, diệt thật, cũng gọi Vô sinh diệt nhị đế. 3. Hai đế của Biệt tiếpThông: Lấy có giả làm tục đế; hàng Biệt tiếpThông theo giáo pháp Biệt giáo, thấy lí Đãn trung, được tiếp vào Biệt giáo, lấy cái họ thấy là chân đế, tức lấy có giả chính là không và bất không làm chân đế, cũng gọi Đơn tục phức chân nhị đế, Huyễn hữu không bất không nhị đế. 4. Hai đế của Viên tiếp Thông: Tục đế đồng với Thông giáo; hàng Viên tiếp Thông theo giáo pháp Thông giáo, thấy lí Bất đãn trung, được tiếp vào Viên giáo, lấy điều họ thấy làm chân đế, tức cho có giả chính là không bất không, tất cả pháp không bất không là chân đế. 5. Hai đế của Biệt giáo:Lấy có giả và có giả tức không làm tục đế, Trung đạo chẳng có chẳng không là chân đế. 6. Hai đế của Viên tiếp Biệt: Tục đế đồng Biệt giáo ở trước, hàng Viên tiếp Biệt theo giáo pháp Biệt giáo, ngộ nhập lí Bất đãn trung, được tiếp vào Viên giáo, lấy điều họ thấy làm chân đế, tức hợp chung Đãn trung và Bất đãn trung làm chân đế. 7. Hai đế của Viên giáo: Lấy có giả và có giả tức không làm tục đế, tất cả pháp có, không và chẳng có chẳng không là chân đế. [X. phẩm Thánh hạnh trong kinh Đại bát Niết bàn Q.13 (bản Bắc); Pháp hoa kinh huyền nghĩa Q.2, hạ; Đại bát niết bàn kinh sớ Q.15].