thật chứng chủ nghĩa

Phật Quang Đại Từ Điển

(實證主義) Cũng gọi Thực chứng triết học, Thực chứng luận. Học thuyết chủ trương căn cứ vào kinh nghiệm khoa học và những tài liệu cơ bản để cấuthành hệ thống triết học, cho rằng đối tượng tri thức của người ta chỉ hạn cuộc ở những sự thực do kinh nghiệm mang lại thôi. Chủ trương này được hình thành vào lúc nền khoa học tự nhiên bộc phát ở thế kỷ XIX. Trong các nhà triết học thực chứng của lịch sử triết học Tây phương, nhân vật đại biểu đầu tiên phải kể đến là nhà triết học người Pháp là Comte (Khổng Đức, 1798-1857), ông có 2 chủ trương lớn là về phương pháp nghiên cứu thì loại bỏ tư duy mà chú trọng kinh nghiệm, còn về đối tượng nghiên cứu thì loại bỏ các tư liệu siêu hình mà chỉ lấy những tư liệu thực tế. Các học giả Phật giáo Tây phương thường đề cập đến tính chất đặc biệt giống nhau giữa tư tưởng của Tây phương và tư tưởng của đức Phật, như cho rằng giáo lí của đức Phật là bác bỏ tính chất độc đoán về siêu hình mà nhìn thẳng vào hiện thực, đồng thời, ở ngay trong hiện thực phát hiện ra chân lí(pháp) hiện thực, nghĩa là chủ trương ở trong tất cả thế gian mà quán xét tất cả thế gian một cách đúng như thực, hoặc Pháp tức hiện thực. Nếu nhận xét theo quan điểm này thì có thể nói giáo pháp của đức Phật cũng là 1 thứ chủ nghĩa Thực chứng. Nhưng thái độ này của đức Phật đã không nảy sinh từ sự phát triển của khoa học tự nhiên giống như Âu châu thời cận đại. Ở thời đức Phật, tại Ấn độ, đối với vấn đề siêu hình đã phát sinh các cuộc tranh luận kịch liệt, như kinh Tiễn dụ trong Trung a hàm quyển 60 có ghi trường hợp Man đồng tử đã từng thưa hỏi đức Phật về 10 vấn đề lớn siêu kinh nghiệm như: Thế gian là thường còn hay không thường còn? Thế gian có đáy hay không có đáy?. Đối với các vấn đề thuộc loại này, đức Phật đều dùng như thực quán sát, như thực thấy biết, tất cả các pháp làm cơ sở giải quyết các phiền não của con người, mang đậm sắc thái tinh thần phê phán của Ngài đối với những người có khuynh hướng tìm hiểu các vấn đề có tính chất siêu hình.