thập vạn bạch long

Phật Quang Đại Từ Điển

(十萬白龍) Tạng: Klu-#bum-dkar-po. Gọi đủ: Thần thánh thập vạn bạch long đại bảo bất khả tư nghị đại thừa kinh điển.Kinh điển trọng yếu của phái Bạch bổng thuộc Bổng giáo, Tây tạng, cùng với Thập vạn hắc long (Tạng: Klu-#bum-nag-po) và Thập vạn ban long (Tạng: Klu-#bumkhra-po) được gọi chung là Tam đại thánh điển.Tương truyền, đây là giáo nghĩa của Bổng giáo do Giáo tổ là Đôn ba tiên lạp phổ (Tạng: Ston-pa-gshen-rabs) tuyên giảng theo lời thưa hỏi của loài rồng. Toàn sách gồm có 238 tờ(bản chép tay cũ bằng tiếng Tây tạng) chia làm 2 quyển. Quyển thượng 31 chương, quyển hạ 24 chương. Các chương 1, 2 là phần trọng yếu nhất của sách này. Nội dung nói về chân lí Bổng pháp cấu thành vũ trụ được chia làm 2 loại: 59 vị Bổng thuộc luân hồi (Tạng: Fkhor) và 83 vị Bổng thuộc giải thoát niết bàn (Tạng: Mya-ían-las-#das). Ở đây, danh từ Bổngđược dùngđể thay cho Pháp, nhưng thực tế vẫn là cách phân loại của Phật giáo. Chẳng hạn như 5 uẩn, 12 xứ, 18 giới, 5 độ(thiếu trí độ), 5 trí… đại khái đều thấy trong sách này. Mục đích của sách này là nói rõ pháp luân hồi không có thực thể, chỉ vì chấp trước nên có sinh tử luân hồi, từ đó hiểu được pháp luân hồi là nếu lìa vọng chấp, cầu sám hối thì liền được giải thoát.