thập tụng luật

Phật Quang Đại Từ Điển

(十誦律) Cũng gọi Tát bà đa bộ thập tụng luật. Quảng luật, 61 quyển, do các ngài Phất nhã đa la và Cưu ma la thập dịch chung vào đời Diêu Tần, được thu vào Đại chính tạng tập 23. Bộ luật này chia giới luật làm 10 hạng mục(10 tụng) để tường thuật, cho nên gọi là Thập tụng luật, là bộ Quảng luật của Tát bà đa bộ(Thuyết nhất thiết hữu bộ trong Phật giáo bộ phái). Luật tạng nguyên là chỉnh lí các giới luật do đức Phật chế định, cho nên sự truyền thừa của các bộ phái, về tổng thể, tuy giống nhau nhưng về chi tiết thì giữa các bộ phái cũng có những điểm bất đồng. Luật Thập tụng trước hết nêu giới Tỉ khưu có 4 pháp Ba la di, 13 pháp Tăng tàn, 2 pháp Bất định, 30 pháp Xả đọa, 90 pháp Ba dật đề, 4 pháp Ba la đề đề xá ni, 107 pháp Chúng học và 7 pháp Diệt tránh, cộng chung là 257 pháp và giải thuyết từng pháp một. Kế đến nói về 17 pháp (17 chương), như 7 pháp, 8 pháp, 2 pháp tạp tụng… là thuyết minh về sự tổ chức và quản lí tăng già, tương đương với phần Kiền độ của các luật khác. Tiếp theo là thuyết minh về các giới của tỉ khưu ni, tất cả có 355 pháp. Sau cùng, có phụ thêm Tăng nhất pháp, Ưu ba li vấn pháp và Tỉ khưu tụng. Nam hải kí qui nội pháp truyện quyển 1 của ngài Nghĩa tịnh đời Đường nói rằng luật Thập tụng và Hữu bộ tì nại da do ngài Nghĩa tịnh dịch đều là những luật căn bản của Hữu bộ. Đem so sánh luật Thập tụng với Hữu bộ tì nại da 50 quyển và Hữu bộ Bật sô ni tì nại da 20 quyển, thì bản do ngài Nghĩa tịnh dịch tương đương với các giới pháp tỉ khưu, tỉ khưu ni của luật Thập tụng, nhưng nội dung thì rộng hơn luật Thập tụng, vì có ghi chép nhiều sự tích nhân duyên bản sinh.Cứ theo bài tựa trong Tân tập luật lai Hán địa tứ bộ được thu vào Xuất tam tạng kí tập quyển 3, thì Pháp tạng do ngài Đại ca diếp truyền vốn là Bát thập tụng, đến thời ngài Ưu ba quật đa vì sợ người độn căn đời sau không có khả năng thụ trì hoàn toàn nên ngài rút gọn thành Thập tụng. Cũng có thuyết cho rằng bản dịch của ngài Cưu ma la thập là luật tóm lược được lưu truyền ở nước Ca thấp di la, còn bản dịch của ngài Nghĩa tịnh là luật đầy đủ được lưu truyền ở nước Ma thâu la. Trong 4 quảng luật được truyền đến Trung quốc thì luật Thập tụng được dịch ra sớm nhất, thịnh hành ở miền Nam, các ngài Tăng nghiệp, Tăng cừ, Đạo nghiễm, Trí xứng… đều nghiên cứu luật này. Các trứ tác có liên quan đến luật bộ và bộ luật này có: Tát bà đa tì ni tì bà sa 9 quyển, Tát bà đa bộ tì ni ma đắc lặc già 10 quyển, Đại sa môn bách nhất yết ma pháp 1 quyển, Thập tụng yết ma tỉ khưu yếu dụng 1 quyển… Về các sách chú thích bộ luật này thì có: -Thập tụng nghĩa kí 8 quyển của ngài Trí xứng. -Thập tụng nghĩa kí 10 quyển của ngài Tăng hựu. -Thập tụng nghĩa kí sớ 10 quyển của ngài Đàm viện. Nhưng rất tiếc là hiện nay đã bị thất lạc.[X. luận Đại trí độ Q.2, 100; truyện Ti la ma xoa trong Lương cao tăng truyện Q.2, 11; Xuất tam tạng kí tập Q.12; Pháp kinh lục Q.5; Lịch đại tam bảo kỉ Q.7, 8; Chí nguyên pháp bảo khám đồng tổng lục Q.8; Đại minh tam tạng thánh giáo mục lục (bản dịch tiếng Anh); Đại tạng kinh Nam điều mục lục bổ chính sách dẫn; Luật tạng chi nghiên cứu (Bình xuyên chương)].