thập trọng cấm giới

Phật Quang Đại Từ Điển

(十重禁戒) I. Thập Trọng Cấm Giới. Cũng gọi Thập trọng ba la đề mộc xoa, Thập ba la di, Thập bất khả hối giới, Thập trọng cấm, Thập trọng giới, Thập vô tận giới, Thập trọng. Chỉ cho 10 giới nặng, tức 10 tội Ba la di của hàng Bồ tát nói trong kinh Phạm võng; đó là: Giới giết hại, giới trộm cướp, giới dâm dục, giới nói dối, giới bán rượu, giới nói lỗi của 4 chúng, giới khen mình chê người, giới bỏn sẻn hủy báng, giới sân tâm không nhận sự sám hối của người khác và giới phỉ báng Tam bảo. Dù tự mình làm hay bảo người khác làm đều bị cấm chỉ. [X. thiên thứ 7 trongGiới luật học cương yếu (Thánh nghiêm)]. II. Thập Trọng Cấm Giới. Cũng gọi Mật giáo thập trọng giới. Chỉ cho 10 giới Ba la di trong Mật giáo. Có 2 loại: A. Mười giới nặng ghi trong Đại nhật kinh sớ quyển 17. 1. Không bỏ Phật bảo. 2. Không bỏ Pháp bảo. 3. Không bỏ Tăng bảo. 4. Không bỏ tâmbồ đề. 5. Không hủy báng tất cả kinh pháp của Tam thừa. 6. Không bỏn xẻn tất cả pháp. 7. Không khởi tà kiến. 8. Không ngăn cản người khác phát đại tâm, cũng không được thấy người biếng nhác mà không khuyến phát. 9. Không nói pháp sai căn cơ. 10. Không làm tất cả việc không có lợi ích cho chúng sinh. B. Mười giới nặng ghi trong Thiền yếu của Tam tạng Thiện vô úy. 1. Không nên lui sụt tâmbồ đề. 2. Không nên lìa bỏ Tam bảo, qui y ngoại đạo. 3. Không được hủy báng Tam bảo và giáo điển Tam thừa. 4. Không nên sinh tâm nghi hoặc đối với những điều không thông hiểu trong giáo điển Đại thừa. 5. Đối với những người đã phát tâm bồ đề thì không nên nói những pháp làm cho họ trở lui. 6. Đối với những người chưa phát tâm bồ đề thì cũng không nên nói những pháp khiến họ phát tâm Nhị thừa. 7. Ở trước hàng Tiểu thừa và người tà kiến không nên nói ngay pháp Đại thừa sâu xa. 8. Không được phát khởi các pháp tà kiến.9. Ở trước ngoại đạo không nên tự nói mình có diệu giới vô thượng, khiến họ dùng tâm sân hận cầu giới ấy, khi không được thì lui sụt tâm bồ đề. 10. Đối với chúng sinh, điều tổn hại hoặc không lợi ích thì không được làm và bảo người khác làm; hay thấy người ta làm mà mình vui theo, vì như thế là trái với pháp lợi tha và tâm từ bi. [X. Tam muội da giới nghi tư bỉnh kí]. (xt. Thập Giới).