thập thừa quán pháp

Phật Quang Đại Từ Điển

(十乘觀法) Cũng gọi Thập chủng quán pháp, Thập thừa quĩ hành, Thập quán thành thừa, Thập pháp thành thừa, Thập pháp thành quán, Thập pháp chỉ quán, Thập trùng quán pháp, Thập thừa quán, Thập thừa, Thập quán. Chỉ cho 10 pháp quán làm khuôn mẫu cho đối tượng chính quán sau khi đã tu tập xong 25 phương tiện(điều kiện) dự bị trong pháp tu Chỉ quán viên đốn của tông Thiên thai. Đó là: 1. Quán bất tư nghị cảnh: Quán xét về cảnh không thể nghĩ bàn. Tức quán trong một niệm tâm mà phàm phu khởi lên hằng ngày có đủ tất cả những gì của đời sống con người, tam đế nhất thể hóa lẫn nhau, là cảnh giới mầu nhiệm không thể nghĩ bàn. 2. Phát chân chính bồ đề tâm (cũng gọi Khởi từ bi tâm): Khi hành giả nương vào sơ quán mà chưa thành công, thì đổi sang phát tâm bồ đề vô tác của Viên giáo, vì cầu bồ đề cứu độ chúng sinh mà lập 4 thệ nguyện lớn. 3. Thiện xảo an tâm chỉ quán (cũng gọi Xảo an chỉ quán): Khéo dùng Chỉ quán làm cho tâm an trụ nơi bản tính chân thực. 4. Phá pháp biến: Phá khắp các pháp. Tức trừ diệt tâm chấp trước nơi tất cả các pháp. 5. Thức thông tắc: Biết chỗ thông suốt, bít lấp. Tức đối với quán năng quán biết rõ chỗ thông suốt, chỗ bít lấp, phân biệt rõ chỗ ưu, khuyết của tình thức. 6. Đạo phẩm điều thích(cũng gọi Tu đạo phẩm): Điều hòa việc tu đạo cho thích hợp. Tức quán xét 37 đạo phẩm để tùy theo tính chất năng lực của hành giả mà tu cho thích hợp. 7. Đối trị trợ khai(cũng gọi Trợ đạo đối trị): Diệt trừ các chướng ngại để giúp cho việc tu đạo. Tức tu các thiện pháp thấp, gần gũi và cụ thể để giúp thêm cho việc tu đạo, tức mở ra Tam giải thoát môn để đối trị chướng ngại. 8. Tri thứ vị: Biết thứ bậc. Tức không khởi tâm kiêu mạn tự cho đã chứng Tánh vị, mà phải biết rõ giai vị tu hành của mình, nghĩa là khéo phân biệt và ý thức được sự tu chứng của mình đã tới đâu. 9. Năng an nhẫn: Có khả năng chịu đựng. Tức đối với các chướng ngại bên trong cũng như bên ngoài, tâm không dao động, nhưng chịu đựng để thành tựu Phật sự. 10. Vô pháp ái(cũng gọi Li pháp ái): Không đắm pháp. Tức diệt trừ tâm bám dính vào pháp chẳng phải là bồ đề đích thực để tiến vào bồ đềvịchân chính. Vì 10 pháp quán trên đây theo thứ tự từ nhân đến quả, cho nên gọi là Thập pháp thành thừa quán. Lại vì 10 pháp này có khả năng làm cho tâm chúng sinh an trụ, cho nên dùng chỗ ngồi để ví dụ mà gọi là Thập thừa sàng(giường Thập thừa). Lại vì 10 pháp quán này có năng lực diệt trừ mê vọng, giống như gió có khả năng thổi sạch tro bụi, cho nên ví dụ gọi là Thập thừa phong(gió Thập thừa). Trong Ma ha chỉ quán từ quyển 5 trở đi, ngài Trí khải đã giải thích về Thập thừa quán pháp rất tỉ mỉ rõ ràng. Tức Thập thừa là 10 pháp như Quán bất tư nghị cảnh… có năng lực vận chuyển người tu hành đến quả vị Bồ đề; các pháp quán của Viên giáo đều nương vào 10 pháp này. Trong 10 pháp, Quán bất tư nghị cảnh là chính quán, bản thể của quán pháp, bậc thượng căn chỉ nương theo pháp này là đủ. Nếu vẫn chưa thành công hoặc là bậc trung căn thì tiến tu pháp quán thứ 2 cho đến thứ 7; còn hàng Hạ căn thì lại tu từ pháp thứ 8 trở xuống, tức cũng phải tu đủ 10 pháp quán. [X. Pháp hoa kinh huyền nghĩa Q.8, hạ; Ma ha chỉ quán Q.5, thượng-10 hạ; Chỉ quán phụ hành truyền hoằng quyết Q.5, phần 1-10, phần 2]. (xt. Nhất Niệm Tam Thiên, Thập Cảnh).