thập thù thắng ngữ

Phật Quang Đại Từ Điển

(十殊勝語) Chỉ cho 10 thù thắng ngữ, là giáo thể của Đại thừa. 1. Sở tri y thù thắng thù thắng ngữ: Thức A lại da là bản thể sở tri, nên gọi là Sở tri y. 2.Sở tri tướng thù thắng thù thắng ngữ: Sở tri tướng là chỉ cho 3 tự tướng của thức A lại da, tức tự tính Biến kế sở chấp, tự tính Y tha khởi và tự tính Viên thành thực. 3. Nhập sở tri tướng thù thắng thù thắng ngữ: Duy thức tính là thể của sự nhập sở tri tướng, là chỗ chứng nhập của hành giả.4. Bỉ nhập nhân quả thù thắng thù thắng ngữ: Sáu Ba la mật thế gian và xuất thế gian là thể nhập nhân quả kia, 6 Ba la mật của Địa tiền thế gian là Nhân, 6 Ba la mật của Địa thượng xuất thế gian là Quả, là nơi hành giả tu nhập. 5. Bỉ nhân quả tu sai biệt thù thắng thù thắng ngữ: Tức nhân quả sai biệt(6 Ba la mật thế gian, xuất thế gian vừa nói trên) trong hành pháp Thập địa mà hành giả nên tu tập. 6. Tăng thượng giới thù thắng thù thắng ngữ: Luật nghi là thể của Tăng thượng giới, tức trong Thập địa tu sai biệt thì đặc biệt nương vào giới mà tu học, không được làm tất cả việc bất thiện. 7. Tăng thượng tâm thù thắng thù thắng ngữ: Lấy các Tam ma địa của Thủ lăng già ma hư không tạng… làm thể, tức trong Thập địa tu sai biệt, đặc biệt nương vào tâm mà tu học nhằm phát sinh các Tam ma địa. 8. Tăng thượng tuệ thù thắng thù thắng ngữ: Tuệ này lấy trí vô phân biệt làm thể, trong pháp tu Thập địa sai biệt, đặc biệt nương vào tuệ mà tu học, nhằm phát sinh trí vô phân biệt. 9. Bỉ quả đoạn thù thắng thù thắng ngữ: Lấy vô trụniết bàn thể, y cứ theo việc hành giả đoạn trừ 2 chướng chứng được mà gọi là Bỉ quả đoạn. 10. Bỉ quả trí thù thắng thù thắng ngữ: Ba thân Phật(Tự tính thân, Thụ dụng thân, Biến hóa thân) là thể của quả trí kia; quả trí chỉ cho 4 trí như Đại viên kính trí… mà 3 thân nương tựa, là trí đức phát sinh khi hành giả đã lìa tất cả chướng. Mười pháp trên đây gọi là Nhân của Thù thắng thù thắng ngữ, vì thể của 10 pháp thù thắng nên gọi là thù thắng; do thể đã thù thắng mà ngôn ngữ nói ra cũng thù thắng, cho nên gọi là Thù thắng thù thắng ngữ. [X. Nhiếp đại thừa luận thích Q.1 (bản dịch của ngài Huyền trang)].