thập tâm

Phật Quang Đại Từ Điển

(十心) I. Thập Tâm. Chỉ cho 10 tâm mà Bồ tát an trụ. Đó là: 1. Đại địa đẳng tâm: Tâm rộng lớn như mặt đất. Nghĩa là nâng đỡ và nuôi lớn các căn lành của tất cả chúng sinh. 2. Đại hải đẳng tâm: Tâm bao la như biển cả. Nghĩa là nước pháp đại trí của chư Phật đều chảy vào. 3. Tu di sơn vương đẳng tâm: Tâm cao vòi vọi như núi Tu di. Nghĩa là làm cho tất cả chúng sinh an trụ nơi thiện căn tối thượng xuất thế gian. 4. Ma ni bảo tâm: Tâm quí báu như ngọc Ma ni. Nghĩa là tâm ưa muốn thanh tịnh như ngọc báu Ma ni không tạp nhiễm. 5. Kim cương tâm: Tâm sắc bén như kim cương, có khả năng ngộ nhập tất cả pháp. 6. Kiên cố kim cương vi sơn tâm: Tâm bền chắc như núikim cương bao bọc. Nghĩa là tâm không bị các ma, ngoại đạo phá hoại, lay động. 7. Liên hoa đẳng tâm: Tâm như hoa sen. Nghĩa là tâm không bị tất cả pháp thế gian làm ô nhiễm. 8. Ưu đàm bát hoa đẳng tâm: Tâm như hoa sen xanh. Nghĩa là tâm rất quí, hiếm có. 9. Tịnh nhật đẳng tâm: Tâm thanh tịnh như mặt trời. Nghĩa là ánh sáng của tâm có năng lực diệt trừ sự ngu si ám chướng của tất cả chúng sinh. 10. Hư không đẳng tâm: Tâm như hư không. Nghĩa là tâm rộng lớn không thể lường biết được. [X. kinh Hoa nghiêm Q.40 (bản dịch cũ)]. II. Thập tâm. Chỉ cho 10 đức tướng của tâm trong Pháp giới tính khởi, đó là: 1. Bình đẳng vô y tâm. 2. Tính vô tăng giảm tâm. 3. Ích sinh vô niệm tâm. 4. Dụng hưng thể mật tâm. 5. Diệt hoặc thành đức tâm. 6. Y trụ vô ngại tâm. 7. Chủng tính thâm quảng tâm. 8. Tri pháp cứu tận tâm. 9. Xảo tiện lưu hoặc tâm. 10. Tính thông bình đẳng tâm. [X. kinh Hoa nghiêm Q.51 (bản dịch mới); Hoa nghiêm kinh thám huyền kí Q.16; Ngũ giáo chương thông lộ kí Q.27]. III. Thập Tâm. Chỉ cho các loại Thập tâm nói trong kinh Hoa nghiêm (bản dịch cũ) : 1. Mười tâm do Bồ tát Thập trụ phát khởi.2. Mười tâm do các hàng Bồ tát Hồi hướng thứ nhất, Hồi hướng thứ 6, Hồi hướng thứ 9 trong Thập hồi hướng phát khởi.3. Mười tâm mà Bồ tát Sơ hoan hỉ địa chứng được nhờ đã phát 10 nguyện rộng lớn.4. Mười tâm do hàng Bồ tát Nhị địa, Tam địa, Ngũ địa, Lục địa, Cửu địa phát khởi.5. Mười tâm mà Bồ tát an trụ khi phân biệt 10 thứ nhập pháp. 6. Mười loại phát tâm Phổ hiền. 7. Mười tâm bình đẳng. 8. Mười loại phát tâm bất động. 9. Mười loại bất xả thâm tâm. 10. Mười loại phát tâm vô giải đãi. 11. Mười loại tâm Tu di sơn vương chính trực. 12. Mười loại tâm Kim cương. 13. Mười loại phát vô lượng vô biên quảng tâm. [X. kinh Hoa nghiêm Q.14, 16, 20, 23 – 26, 33, 37 – 41, 55, 60]. IV. Thập Tâm. Chỉ cho 2 loại Thập tâm nói trong Ma ha chỉ quán quyển 4, thượng. A. Mười tâm thuận lưu: Tức 10 tâm làm cho chúng sinh thuận theo phiền não mà bị trôi giạt trong dòng sinh tử. Đó là: 1. Tâm vô minh hôn ám: Từ vô thủy đến nay, các chúng sinh vì tối tăm mê muội, nên tạo nhiều nghiệp ác. 2. Tâm gần bạn xấu: Các chúng sinh bên trong có phiền não, bên ngoài gặp bạn xấu, khích động pháp tà, mê hoặc tâm mình, không tu nghiệp thiện. 3. Tâm không vui theo điều thiện: Các chúng sinh trong ngoài đều là duyên ác, tức bên trong diệt tâm thiện, bên ngoài phá việc thiện, thấy người khác làm điều thiện tâm chẳng vui theo. 4. Banghiệptạo ác: Các chúng sinh buông lơi 3 nghiệp thân, khẩu, ý, chẳng từ một điều ác nào không làm. 5. Tâm ác trùm khắp: Tâm ác của các chúng sinh trùm khắp các nơi, não hại mọi người. 6. Tâm ác nối tiếp nhau: Các chúng sinh sinh khởi tâm ác, ngày đêm liên tục không dứt. 7. Che giấu lỗi lầm: Các chúng sinh không chịu phát lộ những việc làm xấu ác, không có tâm ăn năn sửa đổi. 8. Không sợ đường ác: Các chúng sinh không biết giới luật, khôngkiêng việc ác, chẳng sợ đường ác. 9. Không biết hổ thẹn: Các chúng sinh tạo các nghiệp ác, tâm không hổ thẹn. 10. Không tin nhân quả: Các chúng sinh sinh khởi tà kiến, cho rằng không có thiện ác nhân duyên quả báo… B. Mười tâm nghịch lưu: Tức 10 tâm giúp người tu hành diệt trừ các pháp ác do 10 tâm thuận lưu tạo ra. Đó là: 1. Tin sâu nhân quả: Tiêu trừ tâmbác không có nhân quả. 2. Tâm hổ thẹn: Diệt trừ tâm không biết hổ thẹn. 3. Sinh tâm sợ hãi: Phá tâm không sợ đường ác. 4. Biết ăn năn sửa đổi: Phá trừ tâm che giấu tội lỗi. 5. Dứt tâm tương tục: Diệt ác niệm nối tiếp nhau. 6. Phát tâm bồ đề: Phá tâm ác lan tràn. 7. Đoạn ác tu thiện: Trừ diệt tâm 3 nghiệp tạo tội. 8. Thủ hộ chính pháp: Phá diệt tâm không vui theo việc thiện. 9. Niệm Phật ở 10 phương: Phá trừ tâm thuận theo bạn ác. 10. Quán xét tính của tội vốn không: Phá vỡ tâm vô minh ám muội. Nếu muốn sám hối trọng chướng 2 đời và thực hành 4 loại Tam muội, thì phải biết rõ lỗi lầm của 10 tâm thuận lưu, rồi vận dụng 10 tâm nghịch lưu để đối trị. Hai mươi tâm trên đây là gốc của các pháp sám hối.V. Thập Tâm. Chỉ cho 10 tâm niệm Phật. Cứ theo kinh Đại bảo tích quyển 92 thì chúng sinh nào phát 10 thứ tâm, rồi tùy theo bất cứ một tâm nào, nếu chuyên tâm niệm danh hiệu Phật A di đà thì lúc lâm chung liền được sinh về thế giới Cực lạc. Mười tâm ấy là: 1. Vô tổn hại tâm: Tâm không gây tổn hại. Nghĩa là người niệm Phật khởi tâm đại từ đối với chúng sinh, không gây tổn hại cho họ, khiến đượcyên vui. 2. Vô bức não tâm: Tâm không bức não. Nghĩa là người niệm Phật thân tâm yên tĩnh, đối với chúng sinh thường khởi tâm đại bi, thương xót cứu giúp, khiến họ được thoát khổ. 3. Lạc thủ hộ tâm: Tâm vui giữ gìn. Nghĩa là người niệm Phật không tiếc thân mệnh giữ gìn chính pháp của đức Phật. 4. Vô chấp trước tâm: Tâm không dính mắc. Nghĩa là người niệm Phật thường dùng trí tuệ quán xét, đối với tất cả pháp, tâm không bám níu. 5. Khởi tịnh ý tâm: Sinh khởi tâm ý thanh tịnh. Nghĩa là người niệm Phật thường lìa các pháp tạp nhiễm của thế gian, đối với việc lợi dưỡng, thường sinh tâm biết đủ. 6. Vô vong thất tâm: Tâm không quên mất. Nghĩa là người niệm Phật cầu sinh Tịnh độ, thành chủng trí Phật, trong tất cả các thời, niệm niệm không bỏ.7. Vô hạ liệt tâm: Không sinh tâm chê bai hèn kém. Nghĩa là người niệm Phật thường có tâm bình đẳng, đối với các chúng sinh tôn trọng cung kính, không sinh tâm khinh mạn. 8. Sinh quyết định tâm: Sinh tâm quyết định. Nghĩa là người niệm Phật, không chấp trước ngôn luận của thế gian, đối vớibồ đề vô thượng, chính tín sâu xa, rốt ráo không nghi hoặc. 9. Vô tạp nhiễm tâm: Không sinh tâm tạp nhiễm. Nghĩa là người niệm Phật tu tập công hạnh, vun bồi căn lành, tâm thường xa lìa tất cả phiền não tạp nhiễm. 10. Khởi tùyniệm tâm: Khởi tâm tùy niệm. Nghĩa là người niệm Phật tuy quán tưởng các tướng tốt đẹp của Như lai, nhưng tâm không đắm trước, trong vô niệm vẫn thường niệm Phật. VI. Thập Tâm. Chỉ cho 10 thứ tâm được ghi trong Đại nhật kinh sớ quyển 2, đó là: Chủng tử, nha chủng, pháo chủng, diệp chủng, phu hoa, thành quả, thụ dụng chủng tử, anh đồng, thù thắng và quyết định. (xt. Bát Tâm).