thập phương tịnh độ

Phật Quang Đại Từ Điển

(十方淨土) Cũng gọi Thập phương Phật sát, Thập phương Phật độ, Thập phương Phật quốc, Thập phương diệu độ. Chỉ cho Tịnh độ của chư Phật trong 10 phương. Cứ theo kinh Bảo nguyệt đồng tử sở vấn được dẫn trong phẩm Dị hành của luận Thập trụ tì bà sa quyển 5 thì ở phương Đông có thế giới Vô ưu, Phật hiệu là Thiện đức Như lai; phương Nam có thế giới Hoan hỉ, Phật hiệu là Chiên đàn đức; phương Tây có thế giới Thiện giải, Phật hiệu là Vô lượng minh; phương Bắc có thế giới Bất khả động, Phật hiệu là Tướng đức; phương Đông nam có thế giới Nguyệt minh, Phật hiệu là Vô ưu đức; phương Tây nam có thế giới Chúng tướng, Phật hiệu là Bảo thí; phương Tây bắc có thế giới Chúng âm, Phật hiệu là Hoa đức; phương Đông bắc có thế giới An ổn, Phật hiệu là Tam thừa hành; phương dưới có thế giới Quảng đại, Phật hiệu là Minh đức; phương trên có thế giới Chúng nguyệt, Phật hiệu là Quảng chúng đức. Kinh Diệt thập phương minh cũng nói ở phương Đông có Đẳng hành Như lai… cho đến thập phương thập Phật; kinh Xưng tán Tịnh độ Phật nhiếp thụ nói phương Đông có Phật A súc bệ, cho đến chư Phật ở 10 phương. Nhưng thuyết chư Phật 10 phương xuất hiện ở hiện tại chỉ thấy trong kinh điển Đại thừa, còn Tiểu thừa thì không tin có Tịnh độ ở 10 phương. Lại trong các Tịnh độ ở 10 phương, tông Tịnh độ đặc biệt chọn Cực lạc Tịnh độ ở phương Tây để xưng dương, tán thán, chính là vì Di đà tịnh độ là sơ môn của Tịnh độ, cơ duyên giữa Tịnh độ cực lạc và cõi Sa bà này rất sâu dày. [X. kinh Đâu sa; kinh Xưng tán Như lai công đức thần chú; Quán vô lượng thọ kinh nghĩa sớ (Cát tạng); luận Tịnh độ Q.trung (Ca tài)]. (xt. Thập Phật).