tháp nhĩ tự

Phật Quang Đại Từ Điển

(塔爾寺) Tạng: Sku#bum. Cũng gọi Kim ngõa tự, Tháp nhi tự. Chùa trên núi Tháp sơn, vùng ngoại ô ở Tây ninh, tỉnh Thanh hải. Đây là nơi giáng sinh của Đại sư Tông khách ba – Tổ sư khai sáng Hoàng giáo, cũng là trung tâm tông giáo của vùng Mông Tạng hiện nay. Chùa được bắt đầu xây dựng vào năm Gia tĩnh thứ 19 (1560) đời Minh, là 1 trong 6 ngôi tự viện lớn của Hoàng giáo (5 chùa kia là chùa Sắc lạp, chùa Triết bạng, chùa Trát thập luân bố, chùa Cam đan ở Tây tạng và chùa Lạp bốc lăng ở tỉnh Cam túc, Trung quốc). Phía trước chùa có 1 gốc cây chiên đàn, theo truyền thuyết, cây này mọc lên từ chỗ chôn cái nhau của ngài Tông khách ba sau khi ngài sinh ra, trên các lá của cây này hiện lên vô số tượng Phật. Từ Sku#bum (10 vạn thể, ý nói 10 vạn tượng Phật) chính là từ đây mà ra. Kiến trúc toàn chùa dựa theo thế núi, dần dần lên cao, có hơn 1000 viện lớn nhỏ, hơn 4500 tăng phòng, dung chứa được mấy nghìn người, giống như một đô thị tông giáo, trung tâm trong đó là Đại kinh đường, Đại kim ngõa tự và Tiểu kim ngõa tự. Đại kinh đường là cơ quan quyền lực cao nhất của tổ chức tông giáo mà chùa Tháp nhĩ, là kiến trúc nóc bằng theo kiểu Tây tạng, chiếm diện tích 1981m2, được xây dựng vào năm Vạn lịch 34 (1606) đời Minh, sau nhiều lần được mở rộng thêm, đến năm Dân quốc thứ 2 (1913), chùa bị phá hủy và năm Dân quốc thứ 6 (1917) được xây dựng lại. Trong Đại kinh đường có 108 cây cột lớn, phần đầu các cột có điêu khắc các hình vẽ rất đẹp, 4 vách có treo tượng Phật, các bức vẽ sự tích Phật giáo, các bức vẽ sinh hoạt tông giáo đều rất sinh động. Trong Kinh đường có thể dung chứa 3000 người tụng kinh, tại đây có 1 tòa tháp đúc bằng vàng ròng, cao khoảng 6, 7 mét, bên trong an trí tro xương của ngài Tông khách ba. Bốn vách có giá để kinh, khám thờ Phật… Dưới Đại kinh đường, thiết lập 4 Đại trát thương(học viện) là: 1. Tham ni trát thương(Học viện của Hiển tông): Thuộc bộ môn nghiên cứu giáo nghĩa của Hiển tông được thành lập sớm nhất và có qui mô lớn nhất, đồng thời nghiên cứu Nội minh. 2. Cư ba trát thương(Học viện của Mật tông): Thuộc bộ môn nghiên cứu giáo nghĩa của Mật tông, đồng thời nghiên cứu Nhân minh. 3. Đinh khoa trát thương(Học viện của Thời luân): Thuộc bộ môn nghiên cứu thiên văn, lịch pháp, bói toán… 4. Mạn ba trát thương (Viện Y học): Thuộc bộ môn nghiên cứu y dược trị bệnh. Đại kinh đường là Kinh đường của Tham ni trát thương, cũng là đại lễ đường để toàn thể Lạt ma của 4 Trát thương nhóm họp tụng kinh. Đại kim ngõa là phần tinh hoa của chùa Tháp nhĩ, chỗ tinh hoa nhất là chính điện, bên ngoài được gắn bằng gạch sứ màu xanh biếc rất mịn. Trên tường có nhấn vô số trân châu, mã não, vàng bạc, đá quí, ngọc biếc, ánh sáng tỏa ra 4 phía. Chính điện thờ tượng ngài Tông khách ba, trong điện treo vô số đèn dầu nhỏ, dây tơ rủ xuống, như những chùm sao lấp lánh; trước tượng treo 2 ngọn đèn lớn được xỏ toàn bằng trân châu, thắp bằng dầu tô, không bao giờ tắt, ánh vàng rực rỡ, làn khói hương uốn quanh, là nơi thiêng liêng nhất của chùa Tháp nhĩ. Phía sau Đại điện có tủ xếp kinh, bên trong tàng trữ Cam châu nhĩ và Đan châu nhĩ, là kinh điển chủ yếu của Hoàng giáo. Kinh điển vốn được cất giữ ở Tây tạng, sau mới được dời đến đây, là của báu của chùa này. Trên nóc Đại kim ngõa tự lợp toàn bằng ngói vàng, phía trên có mấy mươi cột kinh cao từ 1 đến 2m, được làm toàn bằng vàng, số lượng vàng tính chung có tới 100.000 lượng trở lên, có hình cái bình, hình tháp, hình lọng… đúc rất tinh khéo, đẹp đẽ, dưới những tia ánh sáng mặt trời, vàng ngọc ánh lên chiếu soi muôn trượng, thật đáng gọi là Thánh địa của Phật giáo, kho báu của Thanh hải. Tiểu kim ngõa tự cũng gọi là điện Đại hộ pháp, được xây dựng vào năm Sùng trinh thứ 4 (1631) đời Minh, là hình ảnh thu nhỏ của Đại kim ngõa tự, nhưng phong cách thì khác với Đại kim ngõa tự. Trước chùa có 8 tòa tháp đứng sừng sững. Vào thời Hoàng đế Ung chính nhà Thanh, Niên canh nghiêu dẹp yên được loạn La bốc tạng đan tân, vì chúng tăng trong chùa cũng tham gia cuộc phản loạn, cho nên Niên canh nghiêu định giết hết, nhưng nhờ có Trấn hải bảo thiên tổng cầu xin, nên Niên canh nghiêu chỉ giết 8 vị Lạt ma lớn chủ chốt trong việc này, sau chia ra chôn ở 8 chỗ trong nội tự của chùa, xây 8 tòa tháp trắng để an trí di hài của 8 vị. Sự cấu trúc của Tiểu kim ngõa giống như tòa tháp Lạt ma phóng lớn, ngói lợp cũng bằng đồng có mạ vàng, ánh sáng chói lọi, phản ánh lẫn với ánh sáng của Đại kim ngõa tự. Các tượng thần thờ trong chùa phần nhiều lộ vẻ phẫn nộ, biểu trưng dáng uy nghiêm của thần Hộ pháp, trên các cột đều được quấn bằng nguyên tấm da hổ, ở phía sau điện thì cất giữ những mặt nạ bằng gỗ đầy vẻ hung ác, là những vật dùng để diễn tuồng xua đuổi tà thần, ác quỉ. Do sự sùng kính của người Tây tạng đối với ngài Tông khách ba nên chùa này trở thành thánh địa bất khả xâm phạm trong ý nghĩ của các thiện nam tín nữ thuộc 2 dân tộc Tây tạng và Mông cổ, giống như Thánh địa Jerusalem của Gia tô giáo và Hồi giáo. Tín đồ Lạt ma giáo phần lớn đều phát nguyện trong một đời ít ra cũng phải đến chùa này chiêm ngưỡng lễ bái một lần. Ở bậc thềm trước chùa có lót những tấm gỗ thông dày dùng để quì lạy. Hằng năm vào ngày rằm tháng giêng theo lịch Tây tạng, chùa có tổ chức Đại hội thắp đèn, triển lãm hoa tô du, rất đông người tham dự. [X. The Buddhism of Tibet or Lamaism, 1895; Dao Kloster Kumbam in Tibet, 1906, by Filchner; Mông tạng Phật giáo sử của Diệu chu].