thập nhị phật danh thần chú kinh

Phật Quang Đại Từ Điển

(十二佛名神咒經) Gọi đủ: Thập nhị Phật danh thần chú giáo lượng công đức trừ chướng diệt tội kinh. Kinh, 1 quyển, do ngài Xà na quật đa dịch vào đời Tùy, được thu vào Đại chính tạng tập 21. Nội dung kinh này nói về pháp trừ chướng diệt tội. Trong đó, đức Phật đã nói cho bồ tát Di lặc nghe về danh hiệu và công đức của 12 đức Phật. Nếu ai chí tâm xưng niệm danh hiệu 12 đức Phật, trì Đà la ni trong kinh, đồng thời sám hối tất cả các tội và thực hành pháp môn hồi hướng thì diệt được các tội, thanh tịnh hóa nghiệp chướng, được nhiều công đức. Về 12 danh hiệu Phật thì 10 phương mỗi phương 1 vị: Phương Đông có Nhất thiết trang nghiêm vô cấu quang Như lai, phương Nam có Biện tài anh lạc tư niệm Như lai, phương Tây có Vô cấu nguyệt tướng vương danh xưng Như lai, phương Bắc có Hoa trang nghiêm tác quang minh Như lai, phương Đông nam có Tác đăng minh Như lai, phương Tây nam có Bảo thượng tướng danh xưng Như lai, phương Tây bắc có Vô úy quán Như lai, phương Đông bắc có Vô úy vô khiếp mao khổng bất thụ danh xưng Như lai, phương dưới có Sư tử phấn tấn căn Như lai, phương trên có Kim quang uy vương tương tự Như lai. Riêng phương Đông có thêm 2 vị là Hư không công đức thanh tịnh vi trần đẳng mục đoan chính công đức tướng quang minh hoa ba đầu ma lưu li quang minh bảo thể hương tối thượng hương cúng dường ngật chủng chủng trang nghiêm đính kế vô biên nhật nguyệt quang minh nguyệt lực trang nghiêm biến hóa trang nghiêm pháp giới xuất sinh vô chướng ngại vương Như lai và Hào tướng hật nguyệt quang minh hoa bảo liên hoa kiên như kim cương thân Tì lô giá na vô chướng ngại nhãn viên mãn thập phương phóng quang chiếu nhất thiết Phật sát tướng vương Như lai. Mười hai danh hiệu Phật trên đây cũng được chép trong các kinh như kinh Ngũ thiên ngũ bách Phật danh thần chú trừ chướng diệt tội, kinh Thánh thập nhị Phật đại thừa và kinh Phật thuyết xưng tán Như lai công đức thần chú…