thập nhị dụ

Phật Quang Đại Từ Điển

(十二喻) Chỉ cho 12 thí dụ đức Phật dùng để đối trị các vọng chấp như: Nhất dị, câu bất câu, hữu vô, phi hữu phi vô, thường vô thường… Đó là: 1. Khát lộc dương diệm: Nai khát gặp dương diệm(sóng nắng). Nghĩa là đàn nai bị cơn khát bức ngặt, thấy sóng nắng liền tưởng là nước, mê loạn chạy đến. Cũng thế, chủng tử tập khí tham ái từ vô thủy của phàm phu, bên trong thì xông ướp 3 độc, bên ngoài thì phát khởi hiện hành, bị khát ái bức ngặt, vọng khởi tham cầu dục lạc trong các sắc cảnh. 2. Thành Càn thát bà (Phạm: Gandharva-pura): Lúc mặt trời mới mọc, trên mặt biển, do hơi của loài sò lớn bốc lên, người ta thấy hiện ra nào là thành quách, cung điện, lâu đài, người qua lại… đến khi mặt trời lên cao thì liền tan biến. Cũng thế, người phàm phu không có trí thấy thế tưởng là thành quách, thực ra không có thành, cũng chẳng phải không thành. 3. Cảnh trong mộng: Ví như người nằm mộng, thấy có người, ngựa, xe cộ, vườn rừng, sông núi, ao hồ…, khi tỉnh dậy còn hoài niệm không thôi. 4. Tượng vẽ: Ví như tượng vẽ không cao không thấp, nhưng kẻ phàm ngu lại tưởng có cao thấp. Cũng thế, tất cả các pháp đều do tâm hiện ra, không có cao thấp, nhưng ngoại đạo nương vào ác kiến sinh diệt, khoe mình là cao. 5. Mắt nhặm: Ví như mắt nhặm mù mờ thấy tóc rũ, nhưng tóc rũ rốt ráo chẳng phải tính chẳng phải không tính, chỉ do thấy suốt hay không mà biết tính ấy. Ví dụ ngoại đạo dựa vào tà kiến, dạy người khác giống như mình. 6. Vòng lửa: Ví như vòng lửa là do xoay tròn đốm sáng mà thành, thực ra chẳng có, nhưng phàm phu lại cho là thật có vòng lửa, đó chẳng phải là người có trí tuệ.7. Bọt nước: Ví như bọt nước tương tự như những hạt châu ma ni, nhưng người ngu tưởng là ma ni thật mà sinh tâm mong cầu. Thật ra, bọt nước chẳng phải châu ma ni, cũng chẳng phải chẳng là châu ma ni, chỉ vì mê chấp mà cho bọt nước là châu ma ni. 8. Bóng cây trong nước: Ví như bóng cây hiện ra ở trong nước, chẳng phải bóng, cũng chẳng phải không bóng, chẳng phải hình cây, cũng chẳng phải không là hình cây. Ví dụ sự hiện thân của Phật như bóng trong nước, nước ví dụ tâm chúng sinh, cây ví dụ pháp thân của Phật. Cảnh hiện ra vốn là pháp thân sẵn có của chúng sinh, do hiện lượng của tự tâm nên bóng và cây đều chẳng phải. Vì ngoại đạo không thấu suốt lí duy tâm sở hiện nên vọng khởi các kiến chấp nhất dị… 9. Hình tượng trong gương: Ví như gương sáng, tùy duyên hiển hiện tất cả hình tượng, nhưng không vọng tưởng chấp trước. Những hình tượng ấy chẳng phải hình tượng cũng chẳng phải chẳng là hình tượng mà thấy hình tượng chẳng phải hình tượng, nhưng kẻ phàm ngu thì vọng tưởng cho là hình tượng. 10. Gió thổi nước phát ra tiếng: Ví như gió và nước hòa hợp phát ra tiếng, tiếng ấy chẳng phải tính cũng chẳng phải chẳng tính. Ví dụ sự thuyết pháp của Phật là do duyên phát khởi, giống như gió và nước hòa hợp mà có tiếng, cho nên tất cả thanh giáo vốn chẳng phải thực pháp, nhưng người ngu lại vọng cho là thực.11. Mặt trời chiếu soi hiện ra sóng nắng: Ví như mặt đất chỗ không có cây cối, mặt trời chiếu nóng hiện ra sóng nắng, nổi lên cuồn cuộn, sóng này chẳng phải có tính cũng chẳng phải không tính. 12. Chú thuật phát động: Chẳng thuộc chúng sinh, do quỉ Tì xá xà phương tiện hợp thành, kẻ phàmngu vọng tưởng chấp có qua lại. Ví dụ thân Phật chẳng phải thân, chỉ do diệu dụng vô tác thành tựu chúng sinh, vốn không tướng đến đi, ra vào, kẻ phàmngu không rõ biết vọng tưởng là thật. [X. kinh Lăng già a bạt đa la bảo Q.2; kinh Nhập lăng già Q.3; kinh Đại thừa nhập lăng già Q.3; luận Đại trí độ Q.6].