thập nhẫn

Phật Quang Đại Từ Điển

(十忍) I. Thập Nhẫn. Chỉ cho 10 tâm an nhẫn mà Bồ tát đạt được khi đoạn trừ hoặc vô minh, chứng đắc lí các pháp xưa nay vốn vắng lặng. Đó là: 1. Âm thanh nhẫn(cũng gọi Tùy thuận âm thanh nhẫn, Tùy thanh nhẫn): Nghe nói tất cả pháp chân thực, tâm không sợ hãi, tin hiểu thụ trì, tu tập an nhẫn. 2. Thuận nhẫn: Như thực quán xét các pháp, không chống trái, tùy thuận rõ biết, khiến tâm thanh tịnh. 3. Vô sinh pháp nhẫn(gọi tắt: Vô sinh nhẫn): Quán xét tất cả pháp không sinh không diệt, bình đẳng tĩnh lặng. 4. Như huyễn nhẫn: Quán xét tất cả pháp đều như huyễn, trong một có tất cả, trong tất cả có một, nhân duyên tụ tập một cách hư giả, không có định tính. 5. Như diệm nhẫn: Giác ngộ tất cả thế gian như sóng nắng, là sự nhóm họp hư vọng của các tướng hư dối, không có thực thể.6. Như mộng nhẫn: Hiểu biết rõ ràng ất cả thế gian chỉ là những cảnh tượng thấy trong giấc mộng, chẳng phải có chẳng phải không, không chối bỏ, không đắm trước. 7. Như hưởng nhẫn: Giác ngộ rốt ráo đến bờ kia, biết tất cả pháp đều như tiếng vang, chẳng phải từ bên trong bên ngoài phát ra, cũng chẳng phải trong ngoài hợp lại phát ra, mà chỉ từ duyên khởi, rồi khéo dùng phương tiện để nói pháp. 8. Như điện nhẫn (cũng gọi Như ảnh nhẫn): Bồ tát soi thấy tất cả pháp như ánh chớp chiếu các sắc tượng, không phân biệt. 9. Như hóa nhẫn: Bồ tát ý thức rõ tất cả pháp chẳng phải có chẳng phải không, như các việc huyễn hóa ở thế gian, nên chẳng lấy chẳng bỏ. 10. Như hư không nhẫn (cũng gọi Như không nhẫn): Rỗng lặng như hư không, thể tính thanh tịnh, bình đẳng không sai biệt, chẳng sinh chẳng diệt, Bồ tát biết tất cả pháp cũng hệt như thế. Tâm của Bồ tát cũng như hư không không phân biệt, đối với tất cả pháp không pháp nào không dung; thân khẩu ý của Bồ tát cũng rộng lớn như hư không, chẳng sinh chẳng diệt. Cứ theo Nhân vương hộ quốc bát nhã kinh sớ thì Bồ tát Thông giáo quán xét 5 ấm của 3 cõi và nhân quả 2 đế, thành tựu Thập nhẫn là: Giới nhẫn, Tri kiến nhẫn, Định nhẫn, Tuệ nhẫn, Giải thoát nhẫn, Không nhẫn, Vô nguyện nhẫn, Vô tướng nhẫn, Vô thường nhẫn và Vô sinh nhẫn. [X.phẩm Thập nhẫn kinh Hoa nghiêm Q.28 (bản dịch cũ); Đại thừa nghĩa chương Q.14]. II. Thập Nhẫn. Chỉ cho 10 hạnh của Bồ tát nhẫn chịu: 1. Nội nhẫn: Bồ tát có năng lực nhẫn chịu sự đau đớn của thân tâm, không sinh khổ não. 2. Ngoại nhẫn: Nhẫn chịu được khổ não từ bên ngoài đến, không sinh sân hận. 3. Pháp nhẫn: Nếu nghe pháp nghĩa của các kinh cao siêu mầu nhiệm thì chẳng những không sợ hãi mà còn siêng cầu đọc tụng.4. Tùy Phật giáo nhẫn(cũng gọi Phật ấn khả nhẫn): Nếu khi khởi tâm sân não độc hại thì Bồ tát tư duy thân này nương vào đâu mà sinh, pháp tướng do đâu mà khởi; vì chẳng thấy nguyên nhân của sân, không thấy từ đâu phát sinh, duyên khởi từ đâu, tư duy như thế tâm sân hận liền diệt.5. Vô phương sở nhẫn(cũng gọi Vô phần hạn nhẫn): Bất luận lúc nào và ở đâu, Bồ tát cũng thường sinh tâm nhẫn. 6. Tu xứ xứ nhẫn(cũng gọi Vô phân biệt nhẫn, Bình đẳng nhẫn): Bất luận là thân sơ Tôn ti, thậm chí Chiên đà la (tiện dân), Bồ tát đều nhẫn chịu bình đẳng. 7. Phi sở vi nhẫn(cũng gọi Bất đãi sự nhẫn, Bất kiến sự nhẫn): Chẳng phải vì các lí do như sựduyên, sợ hãi, làm ơn, thuận theo đời hoặc vì hổ thẹn… mới nhẫn chịu mà lúc nào cũng tu nhẫn. 8. Bất bức não nhẫn(cũng gọi Vô khuể nhẫn, Bất nhiễu động nhẫn, Bất dao động nhẫn): Nếu bị ngược đãi phải khuất nhục thì Bồ tát cũng có năng lực chịu đựng được. 9. Bi tâm nhẫn: Dù bị chúng sinh nhục mạ, xúc não, Bồ tát cũng không sinh tâm tức giận, trái lại, khởi tâm từ bi thương xót chúng sinh. 10. Thệ nguyện nhẫn(cũng gọi Thành tựu thệ nguyện nhẫn): Bồ tát nhớ lại thủa ban đầu đã ở trước chư Phật phát thệ nguyện cứu giúp chúng sinh, nếu giờ đây lại sân hận đối với chúng sinh, thì mình đã chẳng độ được mình, còn làm lợi ích cho ai? Do đó, Bồ tát không khởi tâm sân, mà sẵn sàng nhẫn chịu. [X. kinh Bảo vân Q.1; kinh Vô lượng thọ Q.thượng].