thập lục đại lực

Phật Quang Đại Từ Điển

(十六大力) Chỉ cho 16 năng lực lớn mà Bồ tát đạt được khi tu tập các hạnh thanh tịnh. 1. Chí lực: Tâm chí của Bồ tát khéo giữ gìn tất cả pháp do chư Phật nói để giáo hóa, dẫn dắt chúng sinh. 2. Ý lực: Tâm ý của Bồ tát giống như tâm ý của Phật, đối với những chúng sinh chưa được độ, đều nguyện độ thoát hết. 3. Hạnh lực: Bồ tát nhờ hạnh tinh tiến thông đạt nghĩa sâu xa của tất cả các pháp. 4. Tàm lực: Bồ tát thường nhờ tâm hổ thẹn mà xa lìa tất cả tội nghiệp, sinh khởi các thiện pháp. 5. Cường lực: Đối với tất cả chướng nạn, Bồ tát đều kiên nhẫn chứ không làm điều gì sai trái. 6. Trì lực: Đối với các pháp thụ trì, Bồ tát đều có khả năng diễn đạt khai đạo, không hề quên sót. 7. Tuệ lực: Bồ tát có trí tuệ lớn, quán chiếu các pháp đều không, dù có trăm nghìn muôn ức quân ma cũng không nhiễu hại được. 8. Đức lực: Bồ tát tu hạnh vô dục, đầy đủ các công đức, xa lìa nhiễm trước. 9. Biện lực: Bồ tát có đại biện tài, trong trăm nghìn kiếp, tùy thời giải nói các pháp, không bị chướng ngại. 10. Sắc lực: Bồ tát có thân tướng đoan nghiêm, nếu Đế thích, Phạm thiên và Tứ thiên vương trông thấy Bồ tát thì ánh sáng của họ liền mờ nhạt. 11. Thân lực: Thân Bồ tát thanh tịnh cứng chắc giống như kim cương, lửa đốt không cháy, dao chặt không đứt, đối với ngoại đạo là bậc tối cao, đặc thắng. 12. Tài lực: Đối với các thứ của báu, tùy theo ý Bồ tát muốn là có liền. 13. Tâm lực: Bồ tát biết rõ ý muốn của các chúng sinh, có năng lực thuận theo tâm của mỗi chúng sinh mà giáo hóa. 14. Thần túc lực: Bồ tát giáo hóa, dắt dẫn chúng sinh, nếu cần dùng năng lực thần thông thì liền hiện thần biến để độ thoát họ.15. Hoằng pháp lực: Bồ tát đối với pháp của chư Phật, có năng lực giảng nói rộng cho chúng sinh nghe, khiến họ tin nhận làm theo để trừ diệt các khổ. 16. Hàng ma lực: Bồ tát tu tập Thiền định, thuận theo ý chỉ của Phật, có năng lực hàng phục các ma. [X. kinh Tam muội hoằng đạo quảng hiển định ý Q.2].