thập lực

Phật Quang Đại Từ Điển

(十力) Phạm:Daza balàni. Mười thứ trí lực. I. Thập Lực. Chỉ cho 10 trí lực của Như lai, đó là: 1. Xứ phi xứ trí lực(cũng gọi Tri thị xứ phi xứ trí lực, Thị xứ bất thị lực, Thị xứ phi xứ lực): Xứ nghĩa là đạo lí. Tức là Như lai biết rõ đúng như thực đối với tất cả nhân duyên quả báo, nếu tạo nghiệp thiện thì biết nhất định được quả báo vui, gọi là Tri thị xứ; nếu tạo nghiệp ác mà được quả báo vui thì không có đạo lí(xứ) như thế, gọi là Tri phi xứ.2. Nghiệp dị thục trí lực(cũng gọi Tri nghiệp báo trí lực, Tri tam thế nghiệp trí lực, Nghiệp báo tập trí, Nghiệp lực): Như lai biết rõ nghiệp duyên, quả báo và nơi sinh trong 3 đời quá khứ, hiện tại, vị lai của tất cả chúng sinh đúng như thực. 3. Tĩnh lự giải thoát đẳng trì đẳng chí trí lực(cũng gọi Tĩnh lự giải thoát đẳng trì đẳng chí phát khởi tạp nhiễm thanh tịnh trí lực, Tri chư thiền giải thoát tam muội trí, Thiền định giải thoát tam muội tịnh cấu phân biệt trí lực, Định lực): Như lai được tự tại vô ngại đối với các thiền định và biết rõ đúng như thực thứ tự cạn, sâu của các thiền định ấy. 4. Căn thượng hạ trí lực(cũng gọi Tri chư căn thắng liệt trí lực, Tri chúng sinh thượng hạ căn trí lực, Căn lực): Như lai biết rõ căn tính hơn, kém, chứng quả lớn, nhỏ của các chúng sinh đúng như thực. 5. Chủng chủng thắng giải trí lực(cũng gọi Tri chủng chủng giải trí lực, Tri chúng sinh chủng chủng dục trí lực, Dục lực): Như lai biết rõ đúng như thực các dục lạc, thiện ác khác nhau của tất cả chúng sinh. 6. Chủng chủng giới trí lực(cũng gọi Thị tính lực, Tri tính trí lực, Tính lực): Như lai biết khắp và đúng như thực về các giới phần khác nhau của chúng sinh ở thế gian. 7. Biến thú hạnh trí lực(cũng gọi Tri nhất thiết chí xứ đạo trí lực, Chí xứ đạo lực): Như lai biết rõ đúng như thực nơi đến của hạnh hữu lậu trong 6 đường và nơi đến của hạnh vô lậu là Niết bàn. 8. Túc trụ tùy niệm trí lực(cũng gọi Tri túc mệnh vô lậu trí lực, Túc mệnh trí lực, Túc mệnh lực): Như lai biết khắp và đúng như thực về túc mệnh (đời trước), từ một đời cho đến trăm nghìn muôn đời, từ một kiếp cho đến trăm nghìn muôn kiếp, chết đây sinh kia, chết kia sinh đây, tên họ uống ăn, khổ vui thọ yểu. 9. Tử sinh trí lực(cũng gọi Tri thiên nhãn vô ngại trí lực, Túc trụ sinh tử trí lực,Thiên nhãn lực): Như lai dùng thiên nhãn thấy biết rõ ràng như thực thời gian sống chết của chúng sinh và các cõi thiện ác mà chúng sinh sẽ sinh tới trong vị lai, cho đến các nghiệp duyên tốt xấu như đẹp xấu giàu nghèo… 10. Lậu tận trí lực(cũng gọi Tri vĩnh đoạn tập khí trí lực, Kết tận lực, Lậu tận lực): Đối với tập khí tàn dư của tất cả phiền não, Như lai biết rõ đúng như thực đã vĩnh viễn đoạn trừ không còn sinh khởi nữa.[X. kinh Tạp a hàm Q.26; kinh Hoa nghiêm Q.17 (bản dịch mới); phẩm Kiến lập trong kinh Bồ tát địa trì Q.10; luận Câu xá Q.27; luận Đại tì bàsa Q.30]. II. Thập Lực. Mười lực của Bồ tát, tức chỉ cho 10 tác dụng của Bồ tát ở giai vị Vô phược vô trước giải thoát hồi hướng thứ 9 trong Thập hồi hướng, đó là: Thâm tâm lực(trực tâm lực) tăng thượng thâm tâm lực (thâm tâm lực), phương tiện lực, trí lực(trí tuệ lực), nguyện lực, hạnh lực, thừa lực, thần biến lực(du hí thần thông lực), bồ đề lực và chuyển pháp luân lực. III. Thập Lực. Mười lực thế gian nêu trong kinh Tạp a hàm quyển 26, đó là: Tự tại vương giả lực, đoán sự đại thần lực, cơ quan công xảo lực, Đao kiếm tặc đạo lực, oán hận nữ nhân lực, đề khấp anh nhi lực, hủy tì ngu nhân lực, thẩm đế hiệt tuệ lực, nhẫn nhục xuất gia lực và kế số đa văn lực. [X. kinh Hoa nghiêm Q.56 (bản dịch mới); Đại thừa nghĩa chương Q.14].