thập địa đoạn chướng chứng chân

Phật Quang Đại Từ Điển

(十地斷障證真) Chỉ cho sự đoạn trừ hoặc chướng và chứng đắc chân như của 10 địa Bồ tát. Cứ theo Hoa nghiêm kinh sớ quyển 31 thì sự đoạn chướng, chứng chân của Thập địa đều khác nhau, đó là: 1. Hoan hỉ địa đoạn chướng chứng chân: Bồ tát tu hạnh thí xả, không tham tiếc thân mình và của cải, do nhân cảm quả, chứng được Sơ địa, tâm sinh hoan hỉ, liền đoạn trừ sự chướng ngại về dị sinh tính (tính phàm phu), chứng được Biến hành chân như; chân như này do nhân không và pháp không hiển bày có mặt khắp trong hết thảy các pháp. 2. Li cấu địa đoạn chướng chứng chân: Bồ tát tu nghiệp Thập thiện, xa lìa dục nhiễm, xả niệm thanh tịnh, tức dứt trừ sự chướng ngại về tà hạnh, chứng được Tối thắng chân như; chân như này đầy đủ vô biên công đức, thù thắng nhất trong các pháp. 3. Phát quang địa đoạn chướng chứng chân: Bồ tát gia công dụng hạnh, phát khởi tâm rộng lớn, như pháp tu hành, trí tuệ phát sáng liền đoạn trừ sự chướng ngại về ám độn, chứng được Thắng lưu chân như; chân như này lưu xuất ra giáo pháp thù thắng nhất. 4. Diệm tuệ địa đoạn chướng chứng chân: Bồ tát tu đầy đủ 37 phẩm đạo pháp,phát khởi ngọn lửa trí tuệ, liền đoạn trừsự chướng ngại của các phiền não nhỏ nhiệm hiện hành, chứng được Nhiếp thụ chân như, chứng được chân như này thì không còn bị hệ thuộc. 5. Nan thắng địa đoạn chướng chứng chân: Bồ tát tu tập gia hạnh bình đẳng, ngộ được trí vô sai biệt đối với chân đế và tục đế, không có ai hơn được, liền đoạn trừ sự chướng ngại về niết bàn của Thanh văn thừa và Duyên giác thừa mà chứng được Loại vô sai biệt chân như(tức sinh tử và niết bàn bình đẳng, không sai khác). 6. Hiện tiền địa đoạn chướng chứng chân: Bồ tát tu hạnh bình đẳng lợi sinh, trí tuệ hiện tiền, liền đoạn trừ sự chướng ngại của thô tướng(trong 4 đế, chấp khổ và tập là nhiễm, chấp diệt và đạo là tịnh) hiện trước, chứng được Vô nhiễm tịnh chân như. 7. Viễn hành địa đoạn chướng chứng chân: Bồ tát tu tất cả pháp Bồ đề phần, ngộ được Không, Vô tướng, Vô nguyện tam muội, liền đoạn trừ sự chướng ngại tế tướng (chấp tất cả pháp duyên sinh và chấp vô tướng) hiện hành, chứng được Pháp vô biệt chân như(biết rõ các pháp đều cùng một chân như, không có tướng sai khác). 8. Bất động địa đoạn chướng chứng chân: Bồ tát tu hành đạo thanh tịnh, lìa tâm ý thức, được Vô sinh pháp nhẫn, tất cả phiền não đều không làm lay động được, liền đoạn trừ chướng ngại về gia hạnh trong vô tướng(Vô tướng chỉ cho địa thứ 7), chứng được Bất tăng giảm chân như; chân như này không tùy thuộc vào tịnh nhiễm mà có tăng giảm. 9. Thiện tuệ địa đoạn chướng chứng chân: Bồ tát dùng vô lượng trí quán xét cảnh giới chúng sinh, đều biết đúng như thực, được trí tuệ vô ngại, nói tất cả các pháp khiến đều được lợi ích, liền đoạn trừ sự chướng ngại không muốn hóa độ người khác, chứng được trí Tự tại chân như; chứng chân như này thì tự tại đối với Tứ vô ngại trí. 10. Pháp vân địa đoạn chướng chứng chân: Bồ tát dùng vô lượng trí tuệ, quán sát, biết rõ, Tam muội hiện tiền, ngộ được đại pháp, dùng pháp thân làm mây, che rợp khắp tất cả chúng sinh, đầy đủ tự tại, liền đoạn trừ chướng ngại không được tự tại trong các pháp, chứng được Nghiệp tự tại chân như(giải thoát khỏi tất cả hoặc nghiệp mà tương ứng với chân như).