thập đại thụ

Phật Quang Đại Từ Điển

(十大受) Cũng gọi Thập thụ, Thập hoằng thệ. Chỉ cho 10 pháp lớn đã lãnh nhận, tức là 10 thệ nguyện mà phu nhân Thắng man đã thành kính lập ra ở trước đức Phật lúc bà được Phật thụ kí. Theo chương Thập thụ trong kinh Thắng man thì 10thệ nguyện gồm (Đại 12, 217 trung): 1. Từ hôm nay cho đến khi chứng Bồ đề, con không khởi tâm phạm các giới đã thụ.2. Từ hôm nay cho đến khi chứng Bồ đề, con không khởi tâm kiêu mạn đối với các bậc tôn trưởng. 3. Từ hôm nay cho đến khi chứng Bồ đề, đối với chúng sinh, con không khởi tâm tức giận. 4. Từ hôm nay cho đến khi chứng Bồ đề, con không khởi tâm ghen ghét đối với sắc thân người khác và các vật dụng bên ngoài. 5. Từ hôm nay cho đến khi chứng Bồ đề, con không khởi tâm bỏn sẻn đối với các pháp nội ngoại. 6. Từ hôm nay cho đến khi chứng Bồ đề, con không vì mình nhận lãnh và chứa góp tài vật, nếu có nhận chứa thì đều vì cứu giúp các chúng sinh nghèo khổ. 7. Từ hôm nay cho đến khi chứng Bồ đề, con không vì mình mà thực hành 4 nhiếp pháp. Vì tất cả chúng sinh, dùng tâm không ái nhiễm, tâm không nhàm chán, tâm không quải ngại, nhiếp thụ chúng sinh. 8. Từ hôm nay cho đến khi chứng Bồ đề, nếu thấy các chúng sinh bị các ách nạn khốn khổ cô độc, bị giam cầm trong bóng tối, bị các tật bệnh hành hạ thì con không bao giờ bỏ rơi, mà sẽ làm cho họ được an ổn, giảng nói nghĩa lí để họ được lợi ích giúp họ thoát khỏi các khổ, rồi sau mới xa rời.9. Từ hôm nay cho đến khi chứng Bồ đề, nếu thấy chúng sinh làm các ác luật nghi như bắt, nuôi súc vật và phạm các giới cấm thì không bao giờconbỏ họ; khi con có đủ sức thì bất cứ ở nơi nào hễ thấy người phải chiết phục thì chiết phục, người đáng nhiếp thụ thì nhiếp thụ. 10. Từ hôm nay cho đến khi chứng Bồ đề, con sẽ giữ gìn chính pháp, không bao giờ quên mất. Trong Thắng man bảo quật quyển thượng phần cuối, ngài Cát tạng đời Tùy giải thích nghĩa Thập đại thụ, cho rằng Đại có 5 nghĩa: Đương thể đại, đắc quả đại, pháp thực hành của bậc Đại nhân, thời đại và không bao giờ mất. Giữ tâm rỗng lặng, cung kính nạp thụ, tự chế và vâng làm, cho nên gọi là Thụ. Còn trong Thắng man kinh sớ thì Pháp sư Chiêu đời Bắc Ngụy phối hợp Đại thụ thứ nhất với Thệ trì, 4Đại thụ kế phối với Nhiếp luật nghi giới, 4 Đại thụ kế nữa phối với Nhiếp chúng sinh giới và Đại thụ thứ 10 phối với Nhiếpthiện pháp giới. Đây là mối quan hệ giữa Thập đại thụ và Tam tụ tịnh giới.