thập công đức

Phật Quang Đại Từ Điển

(十功德) Cũng gọi Thập đức, Thập sự công đức. Chỉ cho 10 thứ công đức mà Bồ tát tu hành kinh Đại bát niết bàn đạt được nói trong phẩm Quang minh biến chiếu cao quí đức vương bồ tát, kinh Đại bát niết bàn. Đó là: 1. Nhập trí công đức: Tức đạt được công đức quán xét, hiểu tỏ, hướng tới chỗ chân thực. Nếu biện biệt cho rõ thì có 5 tướng: a. Được nghe những điều chưa nghe. b. Nghe rồi thì làm lợi ích. c. Dứt được lòng ngờ vực. d. Tâm tuệ ngay thẳng không xiên xẹo. e. Biết được tạng sâu kín của Như lai. Trong đó, (a) là văn tuệ, (b) và (c) là tư tuệ, (d) là tu tuệ, (e) là chứng trí. 2. Khởi thông công đức: Đạt được diệu dụng tùy duyên. Có 5 tướng: a. Được những điều chưa được. b. Đến những chỗ chưa đến. c. Nghe những điều chưa nghe. d. Thấy những điều chưa thấy. e. Biết những điều chưa biết. Trong đó, (a) và (b) là thân thông, (c) là thiên nhĩ thông, (d) là thiên nhãn thông, (e) là tha tâm thông, túc mệnh thông. 3. Đại vô lượng công đức: Tâm giáo hóa rộng lớn. Tức là tâm đại bi vô duyên của Bồ tát, như hư không, không phân biệt, có năng lực mang lại lợi ích cho tất cả chúng sinh.4. Thập lợi ích thành tựu công đức: Thành tựu 10 lợi ích, kiến lập hạnh đức. Có 10 thứ khác nhau: a. Gốc sâu khó nhổ. b. Nơi tự thân sinh ý tưởng quyết định. c. Không thấy có ruộng phúc và chẳng phải ruộng phúc. d. Tu tịnh độ của Phật. e. Diệt trừ hữu dư. g. Đoạn trừ nghiệp duyên. h. Tu thân thanh tịnh. i. Rõ biết các duyên. k. Lìa oán địa. l. Trừ 2 bên (có, không…) 5. Ngũ sự báo quả thành tựu công đức: Quả báo thù thắng tròn đủ, tức thành tựu 5 bậc: a. Đầy đủ các căn. b. Không sinh nơi biên địa; thường tùy loại giáo hóa. c. Được chư thiên ưa mến. d. Được tất cả đại chúng người, trời cung kính cúng dường. e. Được trí túc mệnh (tức trí biết rõ đời trước). Trong đó (a) và (b) thuộc về báo, (c) và (d) thuộc về phúc, (e) thuộc trí. 6. Tâm tự tại công đức: Được tam muội Kim cương, là bậc nhất trong các Tam muội, làm việc gì cũng thông suốt, không bị trở ngại. 7. Tu tập đối trị công đức: Tức khéo tu tập 4 pháp xa lìa lỗi lầm: a. Gần gũi thiện tri thức. b. Chuyên tâm nghe pháp. c. Tập trung tâm tư duy. d. Tu hành đúng như pháp. 8. Đối trị thành tựu công đức: Kiến lập công đức giải thoát, có 8 việc: a. Đoạn sắc, thụ, tưởng, hành và thức. b. Lìa thân kiến, biên kiến, tà kiến, kiến thủ kiến và giới cấm thủ kiến. c. Thành tựu niệm Phật, niệm pháp, niệm tăng, niệm giới, niệm xứ, niệm thiên. d. Tu tri định, tịch định, thân tâm lạc định, vô lạc định và thủ lăng nghiêm định. e. Giữ tâm bồ đề. g. Gồm 4 pháp: đại từ, đại bi, đại hỉ, đại xả. h. Tin thuận nhất thực, tức Nhất Đại thừa.i. Tâm giải thoát, tuệ giải thoát, tức diệt tham, sân, si, biết tất cả pháp vô ngại. 9. Tu tập chính đạo công đức: Tức khởi tu thượng thuận, gồm 5 pháp: a. Tín tâm. b. Trực tâm. c. Giới tâm. d. Gần bạn lành. e. Nghe nhiều. 10. Chính đạo thành tựu công đức: Tức tu tập 37 phẩm trợ đạo, nhập vào thường, lạc, ngã, tịnh của Đại niết bàn, tuyên thuyết kinh Đại niết bàn, hiển bày Phật tính. Nếu bàn chung về sự quan hệ giữa Thập công đứcnàyvà Ngũ hạnh thì cả 2 đều là các pháp trước sau do các giai vị Bồ tát tu hành; nếu bàn riêng thì Ngũ hạnh là các pháp tu của hàng Bồ tát trước giai vị Sơ địa, còn Thập chủng công đức là các pháp tu của Bồ tát từ Sơ địa trở lên.