thập chủng tính

Phật Quang Đại Từ Điển

(十種性) Mười chủng tính của tất cả chúng sinh. Đó là: 1. Phàm phu tính: Chỉ cho hạng người phàm phu chưa cầu Phật đạo, vì khởi các thứ dị kiến, nhận tính khác nhau trong 5 đường nên Tân dịch là Dị sinh. 2. Tín hành tính: Chỉ cho những người nghe và tin lời dạy của thiện tri thức, rồi tu hành theo đúng lời dạy ấy. Giai vị này tương đương với giai vị Văn tuệ, Tư tuệ trong Tam tuệ và các giai vị Ngũ đình tâm, Biệt tướng niệm trụ, Tổng tướng niệm trụ trong Thất phương tiện. 3. Pháp hành tính: Chỉ cho người không đợi nghe lời dạy của thiện tri thức, trực tiếp y theo giáo pháp do đức Phật nói mà tu hành. Giai vị tương đương với giai vị Tu tuệ trong Tam tuệ và giai vị Tứ thiện căn sau trong Thất phương tiện. 4. Bát nhẫn tính: Tức giai vị 15 tâm trước trong 16 tâm Kiến đạo. Vì có đầy đủ 8 nhẫn, 7 trí nên gọi là Bát nhẫn tính, tức giai vị khởi trí vô lậu quán Tứ đế và quán Không, không gián đoạn, cũng không ngưng trệ. Lại vì quán lí Tứ đế và tướng không của Tứ đế nên cũng gọi là Vô tướng hành. 5. Tu đà hoàn tính: Chỉ cho quả Dự lưu, tương đương với tâm thứ 16. Vì mới dự vào dòng Thánh nên được gọi là Dự lưu.6. Tư đà hàm tính: Tức quả Nhất lai. Chỉ cho bậc thánh quả thứ 2, là giai vị đã đoạn trừ phẩm Tu hoặc thứ 6 ở cõi Dục. Vì vẩn còn lại 3 phẩm trong 9 phẩm Tu hoặc và phải thụ sinh trong cõi Dục một lẫn nữa nên gọi là Nhất lai. 7. A na hàm tính: Tức quả Bất hoàn, là bậc thánh quả thứ 3, đã đoạn hết 9 phẩm Tu hoặc, không còn trở lại cõi Dục nữa nên gọi là Bất hoàn. 8. A la hán tính: Đoạn hết tất cả Tư hoặc, quả báo trong một đời đã hết, vĩnh viễn vào Niết bàn không trở lại 3 cõi nữa, vì thế cũng gọi là Bất sinh. 9. Bích chi Phật tính: Tức Duyên giác, bậc thánh đã đoạn sạch tập khí. 10. Phật chủng tính: Chủng tính có khả năng thành tựu Phật quả tròn đầy, tự lợi, lợi tha. Lìa bỏ 9 tính trước(chỉ có tự lợi) trái với tâm Bồ đề Vô thượng, nhập chủng tính Phật thuận ứng đại bồ đề, tức là được tam muội Tịnh ấn, vì Tam muội này thanh tịnh, cho nên vượt hơn hàng Thanh văn, Duyên giác, ban phát quang minh cho tất cả chúng sinh, vì thế được ví dụ với bảo châu thanh tịnh.