thập chủng giáo thể

Phật Quang Đại Từ Điển

(十種教體) Mười thể tính của giáo nói trong Hoa nghiêm huyền đàm của ngài Trừng quán. 1. Âm thanh ngôn ngữ thể: Lấy ngữ nghiệp làm giáo thể, tức lấy ngôn từ luận thuyết của Phật làm giáo thể. 2. Danh cú văn thân thể: Y cứ vào sự kiện mà lập danh(danh từ), nhiều danh hợp lại thành cú(câu nói), hợp các nghĩa củacáccâu nói lại thành văn; thân có nghĩa tụ tập, dùng 3 cách này làm thể để giảng rõ giáo pháp. 3. Thông thủ tứ pháp thể: Lấy chung 4 pháp: Thanh, danh, văn và cú làm thể. 4. Thông nhiếp sở thuyên thể: Gom chung những nghĩa lí đã được trình bày rõ ràng làm giáo thể. 5. Chư pháp hiển nghĩa thể: Lấy tất cả các pháp thế gian tỏ rõ được nghĩa lí làm giáo thể. 6. Nhiếp cảnh vi tâm thể: Thu nhiếp các cảnh làm tâm thể. Nghĩa là 5 pháp trước chỉ do tâm hiển hiện, cho nên lấy nhất tâm làm giáo thể. 7. Hội duyên nhập thực thể: Hợp các duyên vào thực thể. Nghĩa là gom chung 6 môn trước vào Nhất thực và lấy đó làm giáo thể. 8. Lí sự vô ngại thể: Lấy chân như làm lí, giáo pháp làm sự, cả 2 không ngăn trở nhau, cho nên được dùng làm giáo thể. 9. Sự sự vô ngại thể: Văn viên thì nghĩa cũng viên, đều đầy đủ 10 huyền môn, nên được dùng làm giáo thể. 10. Hải ấn bính hiện thể: Thể Hải ấn hiện rõ. Nghĩa là dùng tam muội Hải ấn của Như lai làm giáo thể. Hoa nghiêm huyền đàm quyển 7 phân tích thêm, cho rằng 5 giáo thể trước chỉ bao hàm Thể, 5 giáo hàm sau thì bao hàm cả Thể và Tính; 4 loại trước chung cho cả Tiểu thừa, 6 loại sau chỉ thuộc Đại thừa; 7 loại trước chung cho cả Tam thừa, 3 loại sau chỉ thuộc Nhất thừa; 8 loại trước chung cho nghĩa Đồng giáo nhất thừa, 2 loại sau thì thuộc nghĩa Biệt giáo nhất thừa.