thập bất nhị môn

Phật Quang Đại Từ Điển

(十不二門) I. Thập Bất Nhị Môn. Chỉ cho 10 pháp môn Bất nhị do tông Thiên thai lập ra để nêu rõ ý nghĩa đại cương của pháp Quán tâm. Tức ngài Trạm nhiên căn cứ vào Tích môn thập diệu trong Pháp hoa huyền nghĩa của Đại sư Trí khải mà lập ra 10 môn Bất nhị từ Sắc tâm bất nhị cho đến Thụ nhuận bất nhị, gọi là Thập bất nhị môn. Thông thường cho rằng Thập bất nhị môn không tương dung nhau mà đối lập nhau, nhưng đứng trên lập trường của Viên giáo Pháp hoa mà nhận xét thì Thập bất nhị môn là hiển bày sự viên dung lẫn nhau, một thể không tách rời. Bởi vậy, một niệm hiện thực của phàm phu tự vốn viên mãn tất cả pháp trong vũ trụ; nếu quán xét tự thân là Không, không có thực thể, chỉ là hiện tượng hư giả thì có thể ngộ nhập lí Thập diệu. Sự thành lập Thập bất nhị môn có thứ tự trước sau, nội dung đại để như sau: 1. Sắc tâm bất nhị môn: Được y cứ vào Cảnh diệu trong Thập diệu mà lập ra. Đối tượng quán chiếu của trí tuệ gồm thu trong một niệm. Phân tích ra thì có 2 loại là Sắc pháp và Tâm pháp. Nhưng vì tất cả pháp trong vũ trụ đều thu nhiếp vào trong một niệm của phàm phu nên nói ngoài tâm không có pháp. Ngoài ra, cho dù chỉ là một mảy bụi cũng viên mãn đầy đủ tất cả vũ trụ, cho nên nói Sắc pháp và Tâm pháp là bất nhị, không thể phân chia. 2. Nội ngoại bất nhị môn: Được y cứ vào Trí diệu và Hành diệu mà lập ra. Đối tượng do trí tuệ quán chiếu tuy có chia ra trong ngoài(một niệm tâm pháp ở bên trong thuộc chính mình và tất cả hiện tượng ở bên ngoài mình), nhưng nói theo lí Tam thiên, Tam đế thì thực không có phân biệt trong ngoài, cho nên gọi là Bất nhị. Cũng chính là 3 pháp:Tâm bên trong và Phật, chúng sinh bên ngoài viên dung nhau, bản chất không khác nhau. 3.Tu tính bất nhị môn: Được căn cứ vào Trí diệu và Hành diệu mà lập ra. Tính đức của một niệm xưa nay vốn đầy đủ tất cả, nhưng phải nhờ năng lực trí tuệ và sự tu hành thực tiễn của hậu thiên mới hiển hiện được, cho nên mối quan hệ giữa tính và tu hệt như mối quan hệ giữa nước vàsóng, tức là nương vào tu để tỏ tính, nương vào tính để khởi tu, cho nên là Bất nhị.4. Nhân quả bất nhị môn: Được căn cứ vào Vị diệu và Tam pháp diệu mà lập ra. Tuy do tu đức mà có nhân vị và quả vị khác nhau, nhưng đó cũng chỉ là 3 nghìn các pháp xưa nay sẵn đủ, về mặt hiện tượng tuy có sai khác, nhưng về mặt bản thể thì nhân và quả thực không khác nhau. 5. Nhiễm tịnh bất nhị môn: Được căn cứ vào Cảm ứng diệu và Thần thông diệu mà lập ra. Do nhân quả khác nhau nên có thể chia làm Nhiễm và Tịnh, nhưng đó cũng chỉ là 2 mặt loại trừ nhau và sử dụng nhau giữa pháp tính và vô minh. Cũng tức là khi pháp tính biến thành vô minh và tạo tác thì tạo ra 9 cõi mê, còn khi vô minh biến thành pháp tính mà tạo tác thì tùy duyên mà có tác dụng giáo hóa tự do tự tại, cho nên gọi là Nhiễm tịnh mê ngộ vô biệt. 6. Y chính bất nhị môn: Được căn cứ vào Cảm ứng diệu và Thần thông diệu mà lập ra. Đối với Tịnh đã nói trên, tuy có Phật thân chính báo(Tì lô giá na Phật) và Phật độybáo(Thường tịnh quang độ) khác nhau, nhưng đứng về mặt lí mà nói thì Y báo và Chính báo đã sẵn đủ trong nhất tâm, cho nên không có Y báo, Chính báo khác nhau. 7. Tự tha bất nhị môn: Được căn cứ vào Cảm ứng diệu và Thần thông diệu mà lập ra. Tự chỉ cho Phật thi hành giáo hóa, Tha chỉ chúng sinh được giáo hóa. Phật tùy theo căn cơ chúng sinh mà giáo hóa, chúng sinh cũng thuận theo sự giáo hóa của Phật, đó là vì chúng sinh xưa nay vốn đã sẵn đủ lí 3 nghìn, nên Phật mới dùng lí 3 nghìn làm quả và hoàn thành việc giáo hóa, cho nên sự cảm ứng của tự tha là bất nhị.8. Tam nghiệp bất nhị môn: Được căn cứ vào Thuyết pháp diệu mà lập ra.Đức Phật ắt dùng 3 nghiệp thân, khẩu, ý để giáo hóa chúng sinh, mà 3 nghiệp này không ngoài sự biểu hiện lí 3 nghìn sẵn có, lí 3 nghìn này không khác gì với lí 3 nghìn sẵn đủ của chúng sinh, vì thế 3 nghiệp của Phật và 3 nghiệp của chúng sinh không khác nhau mảy may. 9. Quyền thực bất nhị môn: Được căn cứ vào Thuyết pháp diệu mà lập ra. Tác dụng 3 nghiệp của Phật khi giáo hóa là tùy theo đối tượng mà giảng nói pháp phương tiện hay pháp chân thực nhưng 3 nghiệp của Phật thì thu nhiếp vào trong một niệm về lí là đồng nhất, cho nên Quyền pháp và Thực pháp do 3 nghiệp biểu hiện là bất nhị.10. Thụ nhuận bất nhị môn: Được căn cứ vào Quyến thuộc diệu và Lợi ích diệu mà lập ra. Đối với các căn cơ đại tiểu, quyền thực, đức Phật đều ban cho lợi ích quyền thực, nhưng chúng sinh nhận lãnh vốn có đủ các căn cơ phi quyền phi thực mà thành quyền thực, nên Phật ban cho cũng vốn đủ phi quyền phi thực để tùy theo các căn cơ quyền thực mà giáo hóa. Đây chính là cùng sinh ra trên mặt đất, cùng được thấm nhuần trong một trận mưa, cho nên gọi là Thụ nhuận bất nhị.[X. Thập bất nhị môn chỉ yếu sao; Thập bất nhị môn luận giảng nghĩa]. II. Thập Bất Nhị Môn. Cũng gọi: Thập bất nhị môn nghĩa, Thập bất nhị môn luận, Bản tích bất nhị môn, Bản tích thập diệu bất nhị môn, Pháp hoa bản tích bất nhị môn, Pháp hoa thập diệu bất nhị môn, Diệu pháp liên hoa kinh bản tích thập diệu bất nhị môn, Pháp hoa huyền kí thập bất nhị môn. Tác phẩm, 1 quyển, do ngài Kinh khê Trạm nhiên (711-782) soạn vào đời Đường, được thu vào Đại chính tạng tập 46. Tác phẩm này là 1 tiết trong Pháp hoa huyền nghĩa thích tiêm quyển 14 của ngài Trạm nhiên. Đây là sách chú thích Bản tích thập diệu trong bộ Pháp hoa huyền nghĩa của ngài Trí khải. Nội dung chia làm 10 pháp môn có quan hệ đối nhau là Sắc tâm, Nội ngoại, Tu tính, Nhân quả, Nhiễm tịnh, Y chính, Tự tha, Tam nghiệp, Quyền thực và Thụ nhuận, trong mỗi pháp môn lại viện dẫn luận điểm của Chỉ quán để nói rộng về ý chỉ chủ yếu của Tam thiên, Tam đế mà xác lập nghĩa chân thực của 10 pháp môn như Bản tích bất nhị, Giáo quán nhất như, Giải hành song tu… Vì thế, có thể nói, sách này đã tổng quát tông thú Giáo quán giúp nhau trong 2 bộ sách chủ yếu của tông Thiên thai là Pháp hoa huyền nghĩa và Ma ha chỉ quán mà trở thành then chốt trong các sách vở của tông này. Vào đời Tống, tông Thiên thai hưng thịnh, sách này càng được các nơi suy tôn, quí trọng, các bậc danh đức tông Thiên thai như Nghĩa tịnh, Thanh nguyên, Tông dục, Tri lễ… đều đã thuyết giảng sách này nhiều lần. Tác phẩm này có rất nhiều sách chú thích, nổi tiếng hơn cả thì có: Thập bất nhị môn nghĩa, 1 quyển, của ngài Đạo thúy, Thập bất nhị môn thị châu chỉ, 2 quyển, của ngài Nguyên thanh, Thập bất nhị môn chú, 2 quyển, của ngài Tông dục, Thập bất nhị môn chỉ yếu sao, 2 quyển, của ngài Tri lễ.