thập bát chi

Phật Quang Đại Từ Điển

(十八支) Cũng gọi Thập bát thiền chi, Thập bát chi lâm, Thập bát tĩnh lự chi. Chỉ cho 18 thứ công đức của 4 thiền định cõi Sắc được ghi trongPháp giới thứ đệ quyển thượng, đó là: 1. Năm chi thuộc định Sơ thiền thiên: a. Giác chi(Tầm chi): Hành giả ở cõi Dục nương vào Vị đáo địa, phát khởi các pháp tịnh sắc thuộc Sơ thiền cõi Sắc, tiếp xúc với thân căn cõi Dục, tâm bỗng tỉnh ngộ, liền sinh thức thân, biết rõ sắc xúc này.b. Quán chi (Tứ tâm): Hành giả đã chứng được công đức Sơ thiền, dùng tâm vi tế phân biệt sắc pháp trong thiền định này, thấy các công đức mầu nhiệm và cảnh giới rõ ràng mà ở cõi Dục chưa thấy. c. Hỉ chi: Khi hành giả mới phát thiền thì sinh mừng(hỉ), tư duy niềm vui ở cõi Dục đã xả bỏ rất ít, nay được Sơ thiền, lợi ích rất nhiều, mừng rỡ vô lượng. d. Lạc chi: Lúc hành giả phát Sơ thiền, tâm mừng rỡ đã dứt, thì bỗng nhiên tĩnh lặng, đượcniềm vui khoan khoái. e. Nhất tâm chi (Định chi): Lúc hành giả mới chứng thiền, vì tâm nương theo pháp giác quán hỉ lạc nên có sự tán động nhỏ nhiệm, nếu tâm hỉ lạc(mừng vui) dứt bặt, thì tự nhiên tâm và định hợp nhất. 2. Bốn chi định thuộc Nhị thiền thiên: a. Nội tịnh chi(Nội đẳng tịnh chi): Hành giả muốn lìa Sơ thiền, nên diệt trừ giác quán, giác quán đã diệt thì nội tâm yên tịnh.b. Hỉ chi: Lúc hành giả vừa được nội tịnh thì thoát khỏi nỗi lo về giác quán, được định thù thắng và mừng rỡ vô lượng do nội chứng. c. Lạc chi: Tâm mừng rỡ của hành giả đã dứt thì tâm an nhiên tĩnh lặng, được niềm vui khoan khoái. e. Nhất tâm chi: Tâm mừng vui của hành giả đã dứt thì tâm và định hợp nhất, lóng lặng bất động. 3. Năm chi định thuộc Tam thiền thiên: a. Xả chi: Khi hành giả muốn lìa Đệ nhị thiền nên trừ diệt niềm mừng rỡ của Nhị thiền, mừng rỡ đã diệt thì sinh niềm vui vẻ của Đệ tam thiền; nếu chứng được niềm vui vẻ của Tam thiền thì xả bỏ sự mừng rỡ của Nhị thiền, không sinh tâm hối tiếc. b. Niệm chi: Hành giả đã phát được niềm vui vẻ của Đệ tam thiền thì vui vẻ từ bên trong sinh khởi, cần phải dứt ái niệm thì vui vẻ được tăng trưởng. c. Tuệ chi: Hành giả đã phát được niềm vui vẻ của Đệ tam thiền, nhưng niềm vui vẻ vi diệu này rất khó tăng trưởng, nếu không phải là giải tuệ thiện xảo thì không thể dùng phương tiện để nuôi lớn. d. Lạc chi: Hành giả đã phát niềm vui Đệ tam thiền rồi, nếu khéo dùng 3 chi Xả, Niệm, Tuệ để giữ gìn niềm vui ấy thì nó sẽ bao trùm khắp thân; nếu lìa Tam thiền thì các cõi khác không còn niềm vui khắp thân. e. Nhất tâm chi: Nếu tâm vui vẻ của hành giả đã dứt bặt thì tâm tự hợp nhất với định, lóng lặng bất định. 4. Bốn chi định của Tứ thiền thiên: a. Bất khổ bất lạc chi: Khi hành giả muốn lìa Đệ tam thiền nên trừ diệt niềm vui thì định bất động và xả cùng lúc phát khởi, cho nên trong tâm vắng lặng, không khổ không vui. b. Xả chi: Hành giả đã được định chân thực bất động của Đệ tứ thiền, thì xả bỏ niềm vui khó xả của Đệ tam thiền, không sinh tâm hối tiếc. c. Niệm thanh tịnh chi: Hành giả đã được định chân thực của Đệ tứ thiền, nhớ nghĩ lỗi của các cõi dưới, lại nghĩ đến công đức của chính mình, dùng phương tiện giữ gìn nuôi lớn, không để định này lui mất mà tiến vào phẩm thù thắng. d. Nhất tâm chi: Hành giả đã được định của Đệ tứ thiền, dùng 2 chi Xả và Niệm ở trước để hộ trì thì tâm không còn chỗ nương, tự nhiên vắng lặng, nhất tâm trụ định, giống như gương sáng chẳng động, nước trong không sóng, yên lặng chiếu soi, muôn tượng đều hiện. [X. luận Du già sư địa Q.11; luận Hiển dương thánh giáo Q.2; Tạp tập luận Q.9; luận Câu xá Q.28].