thập bát biến

Phật Quang Đại Từ Điển

(十八變) Cũng gọi Thập bát thần biến. Chỉ cho 18 thứ thần biến do chư Phật, Bồ tát, La hán… nương vào năng lực tự tại của thiền định mà thị hiện ra. Có 2 thuyết như sau: I. Thuyết của phẩm Uy lực trong luận Du già sư địa quyển 37: 1. Chấn động (Phạm: Kampana): Tức làm rúng động khắp tất cả thế giới. 2. Xí nhiên (Phạm:Jvalana): Tức trên thân phát ra lửa hừng, dưới thân tuôn ra nước lạnh, lại vào định Hỏa giới, từ khắp trên thân phát ra những ngọn lửa. 3. Lưu bố (Phạm: Spharaịa): Cũng gọi Biến mãn, tức ánh sáng tràn ngập. 4. Thị hiện (Phạm:Vidarzana): Cũng gọi Hiển thị, tức thị hiện các cõi Phật, các đường ác, thể theo ý muốn của tất cả đại chúng tham dự pháp hội. 5. Chuyển biến (Phạm: Anyatìbhàvakaraịa): Tức chuyển biến lửa thành nước, nước thành lửa, cho đến chuyển biến cỏ lá, phân bò, bùn đất, cát sỏi, gạch ngói… thành thức ăn uống, quần áo, xe cộ, ma ni, lưu li… 6. Vãng lai (Phạm: Gamanàgamana): Tức theo ý muốn, đi lại nhanh chóng, xuyên qua núi đá, tường vách… cho đến khắp trong 3 nghìn thế giới đại thiên mà không hề bị ngăn trở. 7. Quyển (Phạm: Saôkwepa): Tức thu rút tất cả núi Tuyết thành một vật nhỏ như cực vi(đơn vị vật chất bé nhỏ nhất). 8. Thư(Phạm:Prathana): Tức đànra, làmchomột cực vi thành một vật thể cực lớn như tất cả núi Tuyết. 9. Chúng tượng nhập thân (Phạm: Sarvarùpa-kàrya-pravezana): Tức làm cho tất cả sắc tướng như đại chúng hiện tiền, cho đến các núi rừng, đất liền, biển cả… đều vào trong thân mình. 10. Đồng loại vãng thú (Phạm: Sabhàgatopasaôkrànti): Tức đi vào trong chúng Sát đế lợi, chúng Bà la môn, cho đến chư thiên… thị hiện cùng sắc loại, hình lượng, ngôn ngữ như họ mà giảng nói chính pháp cho họ nghe. 11. Hiển (Phạm:Àvirbhàva): Tức trăm nghìn lần hiện thân một cách tự tại trước đại chúng. 12. Ẩn(Phạm:Tirobhàva): Tức cũng trăm nghìn lần tự tại ẩn thân. 13. Sở tác tự tại (Phạm:Vazitvakaraịa): Tức đi về qua lại trong tất cả các cõi hữu tình một cách tự tại vô ngại. 14. Chế tha thần thông (Phạm:Pararddhy-abhibhavana): Tức có năng lực chế phục, ngăn chận thần thông do người khác biến hiện. 15. Năng thí biện tài (Phạm: Pratibha-dàna): Tức khi biện tài của chúng sinh đã cùng tận thì cấp năng lực biện tài cho họ. 16. Năng thí ức niệm (Phạm: Smftidàna): Tức nếu khi chúng sinh đã quên mất chính pháp thì cấp cho họ năng lực ghi nhớ. 17. Năng thí an lạc (Phạm: Sukhadàna): Tức có năng lực mang lại cho người nghe pháp niềm an vui khiến thân tâm họ được nhẹ nhàng, lợi ích; cũng có năng lực tiêu trừ các chướng nạn như tai họa, dịch bệnh của các cõi. 18. Phóng đại quang minh (Phạm: Razmi-pramokwana): Tức dùng năng lực thần thông phóng ra vô lượng ánh sáng, làm các Phật sự để mang lại lợi ích cho vô lượng chúng sinh. II. Chỉ quán phụ hành truyền hoằng quyết quyển 10, phần 2, căn cứ vào phẩm Diệu trang nghiêm vương bản sự trong kinh Pháp hoa quyển 7 mà liệt kê 18 thứ thần biến là: Hông bên phải ra nước, hông bên trái ra lửa, hông bên trái ra nước, hông bên phải ra lửa, trên thân ra nước, dưới thân ra lửa, dưới thân ra nước, trên thân ra lửa, đi trên nước như đi trên đất, đi trên đất như đi trên nước, ẩn trong hư không rồi hiện ở trên đất, ẩn trên đất lại hiện trong hư không, đi giữa hư không, đứng giữa hư không, ngồi giữa hư không, nằm giữa hư không, hiện thân to lớn đầy ắp hư không, hiện thân lớn trở thành nhỏ. [X. Pháp hoa kinh huyền tán Q.10; Giáo thừa pháp số Q.38; Đại tạng pháp số Q.63; Chân ngôn quảng minh mục Q.3].