thanh tịnh pháp giới

Phật Quang Đại Từ Điển

(清淨法界) Cũng gọi Tịnh pháp giới. Chỉ cho thể chân thực do đức Phật chứng được. Thanh tịnh là thể của chân như, lìa tất cả phiền não nhơ nhớp; Pháp giới là chỗ nương của tất cả công đức thế gian và xuất thế gian. Cứ theo Phật địa kinh luận quyển 3 thì thanh tịnh pháp giới tức là công đức chân như vô vi. Còn theo kinh Thất Phật thì đức Phật có thanh tịnh pháp giới, trí chứng chân giác, biết rõ tất cả. Ấn tướng của Tịnh pháp giới là: Hai tay nắm lại, để 2 ngón cái vào trong lòng bàn tay, 2 ngón trỏ duỗi thẳng. Chân ngôn là: Nam mô tam mạn đa Phật đà nam (Qui mệnh phổ biến chư Phật) đạt ma đà đô(pháp giới) tát phạ bà phạ(tự tính)câu hàm(ngã). Chân ngôn này cũng được gọi là Pháp giới sinh chân ngôn. Trong đó, pháp giới chính là thân Phật; ngã tức là pháp giới. Tuy hành giả chưathểnhập được chân tính, nhưng kết ấn và tụng chân ngôn này cũng đồng với thể nhập pháp giới. Một chân ngôn khác của Tịnh pháp giới là: (Án) (Lam). Trong đó, chữ Án là lời qui mệnh Kim cương giới, nghĩa của 3 thân như thường; còn chữ Lam, theo Du già liên hoa bộ niệm tụng pháp, nếu tiếp xúc với chỗ ô uế thì quán chữ Pháp giới sinh ở trên đỉnh đầu, phóng ra ánh sáng màu đỏ, đó là chữ Lam. Nếu gia trì chữ này vào các thức ăn thì không trở thành ô uế. Nếu gia trì chữ Lam vào tất cả vật cúng dường như hương, hoa… thì phóng ra ánh sáng màu trắng liền không còn ô uế, những vật cúng dường sẽ biến khắp pháp giới. [X. phẩm Mật ấn kinh Đại nhật; Đại nhật kinh sớ Q.13].