Thanh Tịnh đạo

Từ Điển Đạo Uyển

清淨道; P: visuddhi-magga; nghĩa là con “Ðường dẫn đến thanh tịnh”;
Tên của một bộ luận cơ bản của Thượng toạ bộ (p: theravāda), được Phật Âm (p: bud-dhaghosa) soạn trong khoảng thế kỉ thứ 5 sau Công nguyên. Thanh tịnh đạo trình bày giáo lí của Ðại Tự (p: mahāvihāra), một trong những trường phái Pā-li.
Bộ luận này gồm có 3 phần với 23 chương: chương 1-2 nói về Giới (p: sīla), chương 3-13 nói về Ðịnh (s, p: samādhi) và chương 14-23 nói về Trí huệ (p: pañña). Phần nói về Ðịnh trình bày rõ các phương pháp và đối tượng quán niệm của Thượng toạ bộ, khả năng phát triển và thánh quả của các phép thiền định. Trong phần Huệ, Thanh tịnh đạo trình bày giáo lí cơ bản của đạo Phật như Tứ diệu đế, Mười hai nhân duyên, Bát chính đạo…
Thanh tịnh đạo là một bộ luận tuyệt hảo, gần như là một bộ Bách khoa toàn thư của Phật giáo và được rất nhiều Phật tử chú trọng đến, không phân biệt Tiểu hay Ðại thừa. Nhà Phật học danh tiếng của châu Âu, Ed-ward Con-ze có lần nói rằng, nếu ông chỉ được mang theo một quyển sách ra một hòn đảo hoang vắng thì đó là quyển Thanh tịnh đạo.