thanh tịnh bản nhiên

Phật Quang Đại Từ Điển

(清淨本然) Cũng gọi Lang gia thanh tịnh bản nhiên, Lang gia sơn hà. Tên công án trong Thiền tông. Công án này phát sinh từ câu Thanh tịnh bản nhiên(tự nhiên vốn thanh tịnh), thế tại sao bỗng sinh núi sông đất liền? do Thiền sư Trường thủy Tử tuyền đời Tống hỏi Thiền sư Lang gia Tuệ giác. Thung dung lục tắc 100 (Đại 48, 291 hạ) ghi: Vị tăng hỏi Hòa thượng Lang gia giác: Thanh tịnh bản nhiên, vì sao bỗng sinh ra núi sông đất liền? Hòa thượng đáp: Thanh tịnh bản nhiên, vì sao bỗng sinh ra núi sông đất liền? Công án này căn cứ vào kinh Thủ lăng nghiêm quyển 4 do ngài Bát lạt mật đế dịch vào đời Đường, trong đó, ngài Phú lâu na hỏi đức Phật (Đại 19, 119) hạ: Bạch Thế tôn! Nếu tất cả căn, trần, ấm, xứ, giới ở thế gian đều là Như lai tạng, thanh tịnh bản nhiên, vì sao bỗng sinh ra các tướng hữu vi núi sông, đất liền, lần lượt xoay vần dời đổi, cứ đến cuối thì trở lại đầu? [X. chương Trường thủy trong Ngũ đăng hội nguyên Q.14; Phổ đăng lục Q.3].