thành thật luận

Phật Quang Đại Từ Điển

(成實論) Phạm:Satyasiddhi-zàstra. Luận, 16 quyển hoặc 20 quyển, do ngài Ha lê bạt ma (Phạm: Harivarman) soạn, ngài Cưu ma la thập dịch vào khoảng năm Hoằng thủy 13 đến 14 (411-412), được thu vào Đại chính tạng tập 32, là kinh điển căn bản của tông Thành thực. Thành thực nghĩa là Thành sự thực Tứ đế. Luận này thuyết minh tất cả hiện tượng tồn tại trong vũ trụ đều chỉ là giả tượng chứ không có thực thể, cuối cùng đều qui về Không, quán xét như thế thì thể ngộ được lí Tứ đế, dùng 8 Thánh đạo diệt trừ tất cả phiền não mà đạt được Niết bàn.Nội dung luận này chia làm 5 tụ: Phát tụ(bài tựa luận) Khổ đế tụ, Tập đế tụ, Diệt đế tụ, Đạo đế tụ(4 tụ này là bản luận), gồm 202 phẩm. Phát tụ có 35 phẩm, trước nói về Tam bảo Phật, Pháp, Tăng, sau nói về lí do tạo luận và pháp nghĩa Tứ đế, đồng thời nêu ra 10 dị thuyết quan trọng về Hữu tướng, Vô tướng để chỉ rõ lập trường của luận này. Khổ đế tụ có 59 phẩm, nói rõ cái khổ của Ngũ thụ uẩn(Ngũ thủ uẩn) và thuyết minh về sắc, thức, tưởng, thụ, hành. Tập đế tụ có 46 phẩm, nói rõ cái nhân của khổ và nghiệp, phiền não. Diệt đế tụ có 14 phẩm, trình bày kiến giải đặc biệt của luận này, nghĩa là nếu diệt hết giả danh tâm, pháp tâm và không tâm thì đạt đến cảnh giới Niết bàn. Đạo đế tụ có 48 phẩm, thuyết minh phương pháp diệt khổ để thực hiện Niết bàn, đó là thiền định và trí tuệ. Trong đó, trí là chân trí không vô ngã, trí này có được sau khi đã diệt hết phiền não. Ngoài ra, còn nói đến thực tiễn không và vô ngã. Lập trường của luận này là chủ trương Nhị thế vô luận(quá khứ và vị lai không thực có), Tính bản bất tịnh luận(tính con người vốn bất tịnh), Vô ngã luận…, đồng thời cho rằng Nhân, Pháp đều không. Giáo thuyết trong toàn luận chẳng những bao trùm các giáo lí trọng yếu của Phật giáo bộ phái(Phật giáo Tiểu thừa) mà còn chứa đựng các kiến giải Đại thừa; phần nhiều đứng trên lập trường Kinh lượng bộ để bài xích sự giải thích của Thuyết nhất thiết hữu bộ về các vấn đề. Trên phương diện lịch sử tư tưởng Phật giáo, luận này được xem là tác phẩm trọng yếu của thời kì quá độ từ Tiểu thừa Không tông hướng tới Đại thừa Không tông. Về vấn đề luận này thực sự là thuộc Đại thừa hay Tiểu thừa thì xưa nay đã có nhiều tranh luận, như 3 vị Đại Pháp sư đời Lương thuộc Nam triều, đứng trên lập trường các kinh Bát nhã, Pháp hoa, Niết bàn… mà phán định luận này là luận Đại thừa; trái lại, phái của Đại sư Gia tường Cát tạng thì đoán địnhluận này thuộc về luận Tiểu thừa. Ở thời Nam Bắc triều đã có một độ xuất hiện học phái Thành thực chuyên giảng bộ luận này. Về số quyển của luận này có nhiều thuyết khác nhau, bản tạng Cao li là 16 quyển, các bản tạng Tống, Nguyên, Minh là 20 quyển. Còn trong các bộ Mục lục kinh thì có các thuyết 14 quyển, 16 quyển, 21 quyển, 24 quyển… Luận này có rất nhiều sách chú thích như: Thành thực luận nghĩa sớ của ngài Tăng đạo đời Tống thuộc Nam triều, Thành thực luận đại nghĩa sớ 8 quyển của ngài Đàm độ đời Bắc Ngụy, Thành thực luận 5 quyển của ngài Linh hựu đời Tùy, nhưng hiện nay phần nhiều đã bị thất lạc, chỉ còn một phần được bảo tồn trong các tác phẩm Đại thừa nghĩa chương của ngài Tuệ viễn đời Tùy. [X. Lương cao tăng truyện Q.7, 8; Lịch đại tam bảo kỉ Q.11; Tục cao tăng truyện Q.5, 7-9].