thành hoàng

Phật Quang Đại Từ Điển

(城隍) Chỉ cho vị quan Tư pháp địa phương trong cõi Thần linh theo truyền thuyết nhân gian, không phải loại thần kì được thờ phụng trong Phật giáo. Tục cho rằng người quân tử có lòng nhân từ sau khi chết thì có thể trở thành vị thần này. Vào các dịp cúng tế, vị thần này đi tuần tra toàn phạm vi dưới quyền quản trị của mình, phía trước có 2 vị tướng quân là Tạ tất an(Thất gia) và Phạm vô cứu(Bát gia) đi mở đường. Danh từ Thành hoàng này có xuất xứ từ câu Thành phục vuhoàng, vật dụng sư trong sách Chu dịch, lúc đầu chỉ cho công sự phòng ngự để bảo vệ thành thị. Đến đời Tam quốc, dân gian mới bắt đầu xây miếu, đắp tượng phụng thờ, đến đời Đường thì phong tục này khá phổ biến. Đến đời Minh, vua Thái tổ lại xét các Thành hoàng ở kinh đô, phủ, châu, huyện, rồi theo thứ tự tấn phong các tước vị: Vương, Công, Hầu, Bá… Đến đời Thanh thì việc cúng tế Thành hoàng được đưa vào Tế điển. Các quan mới đến nhậm chức đều được đưa đến làm lễ ra mắt Thành hoàng trước, sau đó mới bắt đầu thi hành nhiệm vụ. Cứ theo Đài loan tỉnh thông chí lễ tục thiên, triều đình nhà Thanh xem Đài loan như một khu khó cai trị, nên khi vừa đưa vào bản đồ liền xây miều thờ Thành hoàng ở các phủ trị, mượn Thần đạo để bổ túc cho việc cai trị giáo hóa.