thánh giáo lượng

Phật Quang Đại Từ Điển

(聖教量) Phạm: Àgama hoặc Àgamapramaịa. Cũng gọi Chính giáo lượng, Phật ngôn lượng, Chí giáo lượng (Phạm:Àpt-àgama), Thanh lượng (Phạm: Zabda, cũng gọi là Thánh ngôn lượng). Hàm ý là lấy sách Thánh mà phái mình tôn thờ hoặc lời chỉ dạy của Thánh nhân làm cội nguồn, tiêu chuẩn cho tri thức chính xác. Phật giáo thông thường sử dụng từ ngữ Àgama, còn các phái triết học Bà la môn Phệ đà thì dùng từZabda, đều có nghĩa là lời chỉ dạy của người đáng tin cậy (Phạm:Àpta-nirdeza). Cái gọi là người đáng tin cậy thì trong Phật giáo là chỉ cho đức Phật, Bồ tát và các bậc Hiền Thánh, trong triết học Bà la môn thì chỉ cho các vị Thần tiên nói kinh Phệ đà, hoặc chỉ cho những người Hiện chứng pháp nói trong Phệ đà. Trong các phái triết học ở Ấn độ, trừ phái Thuận thế ngoại đạo, phái Thắng luận, phái luận lí học Phật giáo, còn các phái khác đều chủ trương Thánh giáo lượng là lượng độc lập. Ngoài Hiện lượng và Tỉ lượng ra, Cổ nhân minh trong Phật giáo còn thừa nhận Thánh giáo lượng đem đến sự bảo chứng cho tính xác thực của Hiện lượng và Tỉ lượng. Luận Du già sư địa quyển 15 cho rằng ngôn giáo do bậc Nhất thiết trí nói ra gọi là Thánh giáo lượng. Có 3 điều kiện để được gọi là Thánh giáo lượng,đó là: 1. Không trái với Thánh ngôn. 2. Có khả năng đối trị tạp nhiễm. 3. Không trái với pháp tướng. Nhưng phái luận lí học Phật giáo thuộc Tân nhân minh từ ngài Trần na về sau thì phủ nhận tính độc lập của Thánh giáo lượng, chỉ lập Hiện lượng và Tỉ lượng làm nguồn gốc hoặc tiêu chuẩn chính xác của tri thức. Trong Tập lượng luận, ngài Trần na cho rằng Thánh giáo lượng có thể so sánh biết được từ âm thanh (lời nói) của người đáng tin cậy, cho nên người đáng tin cậy là Tỉ lượng, còn nghe lời nói của người ấy thì là Hiện lượng. Cho nên biết mối quan hệ giữa Thánh giáo lượng và Hiện lượng, Tỉ lượng mà ngài Trần na chủ trương tương phản hẳn với chủ trương của Cổ nhân minh, cho rằng tính chất Thánh giáo của Thánh giáo là do Hiện lượng và Tỉ lượng mà được bảo chứng. Nói cách khác, Thánh giáo lượng đã bao hàm trong Hiện lượng và Tỉ lượng rồi, cho nên không cần phải lập riêng Thánh giáo lượng nữa. [X. luận A tì đạt ma tập Q.7; luận A tì đạt ma tạp tập Q.16; Quán li phẩm trong Tập lượng luận; luận Nhân minh chính lí môn; Nhân minh nhập chính lí luận sớ Q.thượng; Đại thừa nghĩa chương Q.10; Thiền nguyên chư thuyên tập đô tự Q.thượng; History of Indian Logic, 1921 by S.C. Vidyabhùsana; Indian Logic in the Early School, 1930, by H.N. Randle; Phật giáo luận lí học (Vũ tỉnh Bá thọ)].