thánh chúng lai nghênh

Phật Quang Đại Từ Điển

(聖衆來迎) Cũng gọi Lai nghinh dẫn tiếp. Gọi tắt: Lai nghinh, nghinh tiếp. Các Thánh đến đón. Tức hành giả niệm Phật, lúc lâm chung, được đức Phật A di đà và Thánh chúng đến trước đón về Tịnh độ cực lạc. Kinh A di đà (Đại 12, 347 trung) nói: Nếu có người thiện nam, thiện nữ nào nghe nói đến Phật A di đà mà chấp trì danh hiệu của Ngài trong 1 ngày, hoặc 2 ngày, 3 ngày, 4 ngày, 5 ngày, 6 ngày, 7 ngày, một lòng không rối loạn, thì khi người ấy sắp mệnh chung, Phật A di đà và các Thánh chúng sẽ hiện thân ở trước mặt người ấy, lúc người ấy hấp hối mà tâm không điên đảo thì liền được sinh về cõi nước Cực lạc của đức Phật A di đà. Ngoài ra, kinh Vô lượng thọ quyển thượng và phần Thượng phẩm thượng sinh trong kinh Quán vô lượng thọ cũng đều nói rõ rằng người sinh về Tịnh độ, nhờ nguyện lực của Phật A di đà, lúc mệnh chung được Phật và Thánh chúng đến đón. Lại theo kinh Quán Dược vương Dược thượng nhị Bồ tát và kinh Quán Di lặc bồ tát thướng sinh Đâu suất thiên thì biết tình hình chư Phật và Thánh chúng đến đón này không phải chỉ giới hạn ở lãnh vực những người vãng sinh Di đà Tịnh độ, mà những người sinh lên cõi trời Đâu suất cũng có thể được chư Phật Thánh chúng cùng đến đón. Tuy nhiên, bất luận vãng sinh Tịnh độ nào, đều phải lấy lâm chung chính niệm làm điều kiện tiên quyết, đó chính là ý nghĩa câu văn Lúc người ấy mệnh chung, tâm không hề điên đảo trích dẫn ở trên.Về việc đức Phật A di đà đến đón thì kinh Quán vô lượng thọ nói tỉ mỉ rõ ràng về tướng 9 phẩm đến đón như sau: 1. Thượng phẩm thượng sinh: Đức Phật A di đà và các bồ tát Quán thế âm, Đại thế chí, cho đến vô số hóa Phật, trăm nghìn tỉ khưu và vô lượng chư thiên đến đón.2. Thượng phẩm trung sinh: Đức Phật A di đà có các bồ tát Quán âm, Thế chí, vô lượng, đại chúng quyến thuộc tùy tòng đến trước mặt hành giả, cùng với 1.000 hóa Phật đồng thời cầm tay tiếp dẫn. 3. Thượng phẩm hạ sinh: Đức Phật A di đà, bồ tát Quán âm, Thế chí, các quyến thuộc và 500 hóa Phật đến đón. 4. Trung phẩm thượng sinh: Đức Phật A di đà cùng các tỉ khưu, quyến thuộc tùy tòng đến đón. 5. Trung phẩm trung sinh: Đức Phật A di đà cùng với quyến thuộc đến đón. 6. Hạ phẩm thượng sinh: Hóa Phật, hóa Quán thế âm, hóa Đại thế chí đến đón.7. Hạ phẩm trung sinh: Hóa Phật, Bồ tát đến đón. 8. Hạ phẩm hạ sinh: Hoa sen vàng đến trước tiếp dẫn. Trên đây, trong kinh không thấy nói đến Trung phẩm hạ sinh, có thuyết cho rằng người dịch kinh đã bỏ sót. Còn trong Quán kinh sớ định thiện nghĩa của ngài Thiện đạo thì nêu ra 3 duyên và cho rằng Thánh chúng lai nghinh là Tăng thượng duyên, đồng thời cho rằng nhờ được Thánh chúng đến đón mà thoát khỏi mọi chướng ngại, rốt ráo vãng sinh Tịnh độ. Về ý nghĩa đến đón, trong luận Thích tịnh độ quần nghi quyển 2 do ngài Hoài cảm soạn có nói rõ thêm như sau: 1. Đứng về phương diện Chân thân Như lai mà nói thì không có việc đi, đến; nhưng đứng về phương diện Tự chân thùy hóa mà nói thì có đi, về; cho nên việc Như lai đến đón thực ra là sự hóa dụng tùy cơ ứng vật. 2. Thực ra Phật không đến đón, mà tướng chư Phật Thánh chúng lai nghinh chỉ do tự tâm hành giả thấy Phật đến; cũng chính là sự đến đón của Phật là do sức công đức của tự thân hành giả lấy bản nguyện đại bi của Phật làm tăng thượng duyên mà biến hiện ra. [X. kinh Đại A di đà Q.thượng; kinh Xưng tán tịnh độ Phật nhiếp thụ; kinh Quán Phật tam muội hải Q.10; Quán niệm pháp môn; Vãng sinh lễ tán; Hoài cảm truyện trong Phật tổ thống kỉ Q.27; 28].