thần thông nguyệt

Phật Quang Đại Từ Điển

(神通月) Cũng gọi Thần biến nguyệt, Thần túc nguyệt, Tam trường trai nguyệt. Chỉ cho tháng giêng, tháng 5 và tháng 9 hàng năm là 3 tháng trì trai tu thiện nên gọi là Tam trường trai nguyệt. Cứ theo Thích môn chính thống quyển 4 thì trong 3 tháng này, chư thiên dùng Thần túc thông đi tuần trong thiên hạ để xem xét các việc thiện ác của chúng sinh, vì thế, thời gian này nên giữ trai tịnh, làm các việc thiện để tu phúc đức có lợi cho quả báo về sau. Pháp uyển châu lâm quyển 88 trích dẫn thuyết trong kinh Đề vị nói rằng tháng giêng nên dùng tiểu dương sự khiến vạn vật sinh sôi nảy nở, tháng 5 dùng đại dương sự để nuôi lớn muôn vật và tháng 9 dùng tiểu âm sự để thu giấu vạn vật, đó đều là theo đạo khí tự nhiên mà sinh ra và tàn diệt. Trong thời gian 3 tháng này nếu trì trai tu thiện thì muôn vật cũng đồng cảm, được nhờ sự giúp ích lớn. Theo Phạm võng kinh sớ và Thích thị yếu lãm quyển hạ thì thời gian tháng giêng trời Đế thích dùng gương chiếu xuống châu Nam thiệm bộ soi xét các việc thiện ác của loài người; tháng 2, tháng 3 và tháng 4 thì chiếu soi 3 châu kia, đến tháng 5 lại chiếu Nam châu, tháng 6, tháng 7, tháng 8 chiếu xuống 3 châu còn lại, tháng 9 lại chiếu xuống Nam châu, vì thế tháng giêng, tháng 5 và tháng 9 nên trì trai tu thiện. Từ ngữ Tam trường trai nguyệt đã thấy rất sớm trong kinh Phạm võng quyển hạ, nhưng trong kinh chỉ nói trong 3 tháng này không được phạm các giới sát sinh, trộm cắp, phá trai, là vì trong thời gian này cần phải thụ trì giới thanh tịnh. Còn như các kinh Bất không quyên sách thần biến chân ngôn quyển 2, kinh Quán đính quyển 12 và luận Đại trí độ quyển 13 đều nói giống nhau, nhưng không hề có thuyết Chư thiên dùng thần túc thông đi xem xét các việc thiện ác dưới nhân gian. Cho nên các học giả hiện đại chủ trương những điều được ghi trong Pháp uyển châu lâm, Thích môn chính thống và Thích thị yếu lãm có lẽ đã do chịu ảnh hưởng tư tưởng của Đạo giáo mà ra. [X. Lịch đại tam bảo kỉ Q.12; điều Thiện nguyệt trong Sắc tu Bách trượng thanh qui Q.1].