thần ngã

Phật Quang Đại Từ Điển

(神我) Phạm: Puruwa. Cũng gọi Thần ngã đế, Ngã tri giả. Gọi tắt: Thần, Ngã. Chỉ cho bản thể tinh thần của cá nhân, đế thứ 25 trong 25 đế do học phái Số luận ở Ấn độ lập ra. Tức chủ trương cho rằng Ngã là Thực ngã thường trụ độc tồn, thụ dụng các pháp. Vì đối với Tự tính, phái Số luận lập ra 25 đế và lấy Tự tính đế (Phạm:Prakftì) đầu tiên trong 25 đế làm bản tính, 23 đế ở khoảng giữa là biến dị (đổi khác), còn Thần ngã đế thứ 25 thì chẳng phải bản tính cũng chẳng phải biến dị, thể của nó là có thật, thường còn, thanh tịnh và độc lập, thường được 24 đế còn lại bao bọc chung quanh. Nguyên tố căn bản (tức Tự tính) là nhân của chất liệu căn bản, nếu kết hợp với Thần ngã thì từ nguyên tố căn bản sẽ triển khai ra thế giới hiện tượng. Mà khi nguyên tố căn bản kết hợp với Thần ngã thì Thần ngã sẽ bị vật chất trói buộc; nhưng khi được giải thoát thì Thần ngã thoát li khỏi nguyên tố căn bản, tồn tại độc lập, trở thành cái thuần túy xưa nay vốn thanh tịnh. Theo học thuyết phái Số luận thì sự tồn tại của Thần ngã được chứng minh qua 5 tình hình sau đây: 1. Vì người khác mà tích tụ (Phạm: Saôghàtaparàrthatvàt): Tất cả sự tụ tập mà người thế gian thấy được đều chẳng phải tự thân chúng có như vậy, chẳng hạn như giường chiếu chẳng phải tự thân chúng có ra như thế, nhưng vì đáp ứng nhu cầu cần dùng của người khác mà tụ tập lại thành vật.2. Vì khác với 3 đức (Phạm: Triguịàdiviparyaryàt): Ba đức chỉ cho Hỉ, Ưu, Ám. Ngoài Thần ngã, 24 đế kia đều không lìa 3 đức, đó là người mù; còn Thần ngã thì thấy biết được tự tính, khác với 3 đức, là cái Ngã thường trụ. 3. Vì là nương gá (Phạm: Adhiwỉhànàt, cũng gọi Chi phối): Nếu nương gá vào Thần ngã thì thân này có tác dụng; nếu không thì thân này cũng không có tác dụng. Thần ngã có khả năng chi phối thân thể có tính vật chất, 24 đế còn lại thì cần phải nương vào Thần ngã mới thành ý nghĩa, cho nên Thần ngã là cái có thật. 4. Vì có người ăn (Phạm: Bhoktfbhavàt): Hai mươi bốn đế kia giống như thực phẩm, còn Thần ngã thì như người ăn; có thực phẩm thì phải có người ăn để thưởng thức mùi vị. 5. Vì độc tồn mà gắng sức (Phạm: Kaivalyartham pravftte#): Nếu không có Thần ngã thì con người dù có gắng sức đến đâu đi nữa(chẳng hạn như gắng sức cầu giải thoát) rốt cuộc cũng vô hiệu, nhân quả báo ứng cũng mất ý nghĩa, vì thế biết chắc chắn Thần ngã có thật trong con người. Phật giáo phản đối luận thuyết nói trên mà chủ trương Thần ngã là cái Ngã lìa uẩn và dùng quan điểm các pháp vô ngã để phê phán và phá dẹp các luận thuyết vọng chấp Thần ngã. [X. luận Kim thất thập Q.thượng; phẩm Phá thần trong Bách luận Q.thượng; Thành duy thức luận thuật kí Q.1, phần cuối].