thân chứng

Phật Quang Đại Từ Điển

(身證) Phạm:Kàya-sàkwin. Pàli:Kàya-sakkhin. Cũng gọi Thân chứng na hàm, Thân chứng bất hoàn. Chỉ cho bậc Thánh lợi căn trong quả Bất hoàn, nương vào Diệt tận định mà chứng pháp tương tự như Niết bàn, thân được niềm vui tịch lặng, là 1 trong 7 bậc Thánh, 1 trong 27 bậc Hiền Thánh. Luận Đại tì bà sa quyển 152 (Đại 27, 776 trung) nói: Đức Thế tôn an lập Thân tác chứng, gọi là Tưởng thụ diệt giải thoát. Vì vô tâm nên ở thân chẳng phải tâm, là cái do thân lực sinh khởi chứ không phải tâm sinh khởi, cho nên đức Thế tôn nói là Thân chứng. Về tên gọi Thân chứng có 2 thuyết: 1. Thuyết nhất thiết hữu bộ chủ trương định Diệt tận là định Vô tâm, nếu trong thân sinh được định Diệt tận thì thân được niềm vui vắng lặng, gọi là Thân chứng. 2. Kinh lượng bộ thì cho rằng sau khi xuất định, duyên theo sự tĩnh lặng của định Diệt tận, cho rằng sự tĩnh lặng này rất giống pháp Niết bàn, do đạt được trí hiện tiền mà chứng đắc sự tĩnh lặng của thân, gọi chung là Thân chứng. Đại thừa bèn căn cứ vào thí dụ để đặt tên gọi Thân chứng. [X. luận Tạp a tì đàm tâm Q.5; luận Câu xá Q.24, 25; luận Đại thừa a tì đạt ma tạp tập Q.13; Thành duy thức luận liễu nghĩa đăng Q.1 phần cuối; Đại thừa nghĩa chương Q.17, phần đầu]. (xt. Bất Hoàn Quả).