tham đồng khế

Phật Quang Đại Từ Điển

(參同契) Tác phẩm, 1 quyển, do ngài Thạch đầu Hi thiên soạn vào đời Đường, được thu vào Đại chính tạng tập 51. Đây là một bài thơ cổ gồm 44 câu, mỗi câu 5 chữ, tất cả có 220 chữ, giải thích rõ ý nghĩa muôn pháp giao thoa xen lẫn nhau vô cùng, do sự khế hợp với nhau này mà hòa tan dung hợp lẫn nhau. Tập sách này cùng với tác phẩm Bảo kính của Thiền sư Động sơn Lương giới đều là Thánh điển được tông Tào động trân trọng và thường đọc tụng trước bàn Phật vào mỗi buổi sáng.Theo Bích nham lục tắc 4, động cơ sáng tác là lúc ngài Thạch đầu Hi thiên xem Triệu luận đến câu Muôn vật là chỗ của mình thì hoát nhiên đại ngộ, do đó mà soạn Tham đồng khế. Còn nguyên do đặt tên tác phẩm là Tham đồng khế thì có lẽ đã mượn tên sách Tham đồng khế do đạo sĩ Ngụy bá dương soạn để hiển bày lí sâu kín huyền diệu của Phật pháp, đồng thời có ý sửa chữa cái tệ bệnh chê bai lẫn nhau của Thiền Nam tông và Thiền Bắc tông lúc bấy giờ. Cũng có thuyết cho rằng tên Tham đồng khế là do người đời sau đặt. Tham là muôn tượng sum la xen lẫn nhau, dung hợp nhau; Đồng là bản thể bình đẳng của muôn tượng; Khế là khế hợp nhau, in hệt như nhau, hiển bày lí Sai biệt tức Bình đẳng, Bình đẳng tức Sai biệt.Toàn văn tập sách này cũng được thu vào Cảnh đức truyền đăng lục quyển 30, Ngũ đăng hội nguyên quyển 5, Giáo ngoại biệt truyền quyển 14 và Phật tổ lịch đại thông tải quyển 19. Toàn văn ấy như sau (Đại 51, 459 trung): Trúc độ đại tiên tâm, Đông tây mật tương phó. Nhân căn hữu lợi độn, Đạo vô Nam Bắc tổ. Linh nguyên minh kiểu thiết, Chi phái ám lưu chú. Chấp sự nguyên thị mê, Khế lí diệc phi ngộ. Môn môn nhất thiết cảnh, Hồi hỗ bất hồi hỗ. Hồi nhi cánh tương thiệp, Bất nhĩ y vị trụ. Sắc bản thù chất tượng, Thanh nguyên dị lạc khổ. Ám hợp thượng trung ngôn, Minh minh thanh trược cú. Tứ đại tính tự phục, Như tử đắc kì mẫu. Hỏa nhiệt phong động dao, Thủy thấp địa kiên cố. Nhãn sắc nhĩ âm thanh, Tị hương thiệt hàm thố. Nhiên y nhất nhất pháp, Y căn diệp phân bố. Bản mạt tu qui tông, Tôn ti dụng kì ngữ. Đương minh trung hữu ám, Vật dĩ ám tương ngộ. Đương ám trung hữu minh, Vật dĩ minh tương đổ. Minh ám các tương đối, Tỉ như tiền hậu bộ. Vạn vật tự hữu công, Đương ngôn dụng cập xứ. Sự tồn hàm cái hợp, Lí ứng tiễn phong trụ. Thừa ngôn tu hội tông, Vật tự lập qui củ. Xúc mục bất hội đạo, Vận túc yên tri lộ? Tiến bộ phi cận viễn, Mê cách sơn hà cố. Cẩn bạch tham huyền nhân, Quang âm mạc hư độ. (Tâm Đại tiên đất Ấn, Đông, Tây thầm truyền nhau. Căn cơ có bén lụt, Tổ đạo không Bắc, Nam. Nguồn thiêng vốn trong sáng, Chia dòng chảy tối tăm. Chấp sự vốn là mê, Khế lí chưa hẳn ngộ. Hết thảy các môn, cảnh, Hòa nhau hay chẳng hòa? Hòa nhau thì dung hợp, Không thì đứng nguyên chỗ. Sắc vốn khác chất tượng, Thanh chẳng giống khổ vui. Lời nói về thầm hợp, Rõ ràng câu đục trong. Tính bốn đại tự về, Như con được gặp mẹ. Lửa nóng, gió lay động, Nước ướt, đất cứng chắc. Mắt sắc, tai âm thanh, Mũi hương, lưỡi nếm vị. Nhưng tùy mỗi mỗi pháp, Phân bố theo ngành ngọn. Ngành ngọn phải về gốc, Tôn ti chia rõ ràng. Ngay trong sáng có tối, Chớ tưởng tối ngoài sáng. Ngay trong tối có sáng, Chớ nghĩ sáng lìa tối. Sáng tối đều đối nhau, Như bước trước, bước sau. Muôn vật tự có công, Nên nói dụng và xứ, Sự tồn, nắp, hộp hợp, Lí ứng, tên, giáo hòa. Nương lời phải hiểu tông, Đừng tự lập qui củ. Trước mắt không thấy đạo, Biết trước đi đường nào? Tiến bước chẳng gần xa, Mê tức cách sông núi. Kính bạch người tham huyền, Chớ luống phí thời gian!) Về sách chú thích Tham đồng khế thì có rất nhiều như: Động thượng cổ triệt của ngài Vĩnh giác Nguyên hiền đời Minh, Báo ân biên của Thiên quế Truyền tôn người Nhật bản, Xuy xướng của Diện sơn Thụy phương… [X. Cảnh đức truyền đăng lục Q.14; Thích thị kê cổ lược Q.3; Lâm gian lục Q.hạ].