thám can ảnh thảo

Phật Quang Đại Từ Điển

(探竿影草) Gọi tắt: Thám thảo. Tiếng dùng trong Thiền lâm. Chỉ cho 2 cách bắt cá. Trong Thiền lâm, nhóm từ này được vận dụng để thăm dò trình độ của người học, là 1 trong 4 tiếng hét, 1 trong 7 việc tùy thân của tông Lâm tế. Tùy theo tác dụng và mục đích mà Thám can ảnh thảo có 2 cách giải thích như sau: 1. Thám can, ảnh thảo là công cụ của người bắt cá. Thám là thăm dò; Can là cây sào. Nghĩa là buộc lông cánh con chim bồ nông vào đầu cây sào rồi dìm xuống nước thăm dò, dụ cho đàn cá tụ lại một chỗ, sau đó dùng lưới để bắt. Ảnh là bóng; Thảo là cỏ. Nghĩa là cắt cỏ ngâm dưới nước, đàn cá sẽ đến núp dưới bóng đám cỏ ấy, sau đó dùng lưới bắt. Đây đều là pháp phương tiện của người bắt cá dùng để dụ cá tụ vào một chỗ để bắt. 2. Thám can, ảnh thảo là dụng cụ của kẻ ăn trộm. Thám can chỉ cho cái sào tre mà kẻ trộm dùng để luồn qua cửa sổ, hoặc lỗ hổng của tường vách để dò xét động tĩnh trong nhà. Còn ảnh thảo là chỉ cho cái áo tơi có thể ẩn mình, mặc vào rất tiện cho việc ăn trộm, ăn cắp. Trong Thiền gia, Thám can ảnh thảo được chuyển dụng để chỉ cho việc thầy dò xét trình độ của người học. [X. Lâm tế lục khám biện; Thung dung lục tắc 81]. (xt. Tế Tông Thất Sự Tùy Thân, Tế Tông Tứ Hát).