thái quốc phật giáo

Phật Quang Đại Từ Điển

(泰國佛教) Thái quốc (Thailand) nằm giữa bán đảo Trung nam, xưa gọi là Đọa Rabindranath Tagore la bát để (Phạm: Dvàrapati), cũng gọi Xã hòa bát để, Đọa hòa la. Cư dân là dân tộc Thái, vốn định cư ở vùng tây nam tỉnh Vân nam, Trung quốc, nhưng vì bị người Hán áp bức nên dần dần phải dời đến ven sông Mê nam, Mê kông, khoảng thế kỉ VII, chinh phục các vùng lân cận, xây dựng nền tảng vương quốc. Giữa thế kỉ XIII, ở miền thượng du và trung du của sông Mê nam (Menam), các Vương triều Lan na thái (Lanna-thái) và Vương triều Tố khả thái (Sukho-thai, 1257-1436) lần lượt được kiến lập. Đến giữa thế kỉ XIV, hai Vương triều sáp nhập lại lập ra quốc đô, chính thức thống nhất, thành lập Vương triều A du đà (Auodhyà, 1350-1766, cũng gọi Vương triều Đại thành), Trung quốc gọi là Xiêm la. Trước khi thống nhất, tín ngưỡng Phật giáo đã rất hưng thịnh, phong khí tạo tượng Phật, xây chùa viện cũng rất phổ biến. Cứ theo Nam hải kí qui nội pháp truyện quyển 1 thì thời ngài Nghĩa tịnh Phật pháp ở xứ này đã rất thịnh hành. Phật giáo khoảng trước khi dân tộc Thái lập quốc có thể chia làm 4 thời kì: Thời kì truyền nhập của Phật giáo Thượng tọa bộ (thế kỉ III trước Tây lịch); thời kì truyền nhập của Phật giáo Đại thừa (thế kỉ VIII Tây lịch), thời kì truyền nhập của Phật giáo Bồ cam (thế kỉ XI) và thời kì truyền nhập của Phật giáo Tích lan (thế kỉ XIII), còn lịch sử xác thực thì bắt đầu từ Vương triều Tố khả thái (Sukhothai).Phật giáo ở thời kì đầu của Vương triều Tố khả thái hoằng dương cả Thượng tọa bộ và Đại thừa, vua Lập thái (Thammaraja Luthai, ở ngôi 1374-1370) đời thứ 5 thông hiểu cả nội ngoại điển, vua soạn luận Tam giới, trình bày về vũ trụ quan và nhân sinh quan của Phật giáo; vua còn chủ trì đúc tạo tượng Phật. Tượng Phật bằng đồng được thờ ở chùa Đại xá lợi tại phủ Bành thế lạc và tượng Phật lớn bằng đồng thờ ở chùa Thiện kiến tại Bangkok hiện nay chính là do nhà vua đúc tạo. Giữa thế kỉ XIV, Vương triều Đại thành (1350-1766) thay thế Vương triều Tố khả thái, từng xây dựng chùa Phật đà tối thắng, chùa Ba khảo; vua Đát lai lạc ca (Boroma Trailokanàtha, 1448-1488) lại đổi vương cung cũ thành chùa Phật, đặt tên là chùa Tối thắng biến tri; vua Lạp mã thiết ba để đời thứ 2 (Ramadhipati II, 1491-1529) thì ban sắc tạo tượng Đại Phật cao 16 mét; vua Tụng đàm (Songtham, 1610-1628), lúc còn trẻ đã từng xuất gia, pháp danh là Tịnh pháp, từng ban sắc xây chùa Phật trên núi Tô bàn na, đổi tên là núi Phật túc. Năm 1767, Hoàng gia khuynh đảo, nội loạn liên miên, Miến điện thừa cơ xâm lấn, sau nhờ người Hán là Trịnh chiêu khôi phục nghiệp cũ, kiến lập Vương triều Thôn vũ lí. Trịnh chiêu chính là Lạp mã đời thứ nhất (Rama I), tổ tiên của Vương triều Thái quốc hiện nay. Vua Lạp mã đời thứ nhất từng hiệu đính Tam tạng (1788), cải cách tăng đoàn; vua Lạp mã đời thứ 3 ban sắc phiên dịch Tam tạng (đặc biệt là tạngLuận) ra tiếng Thái; em vua, tức Lạp mã đời thứ 4, từng xuất gia, pháp hiệu là Kim cương trí, chủ trương giữ gìn giới luật một cách nghiêm khắc, sáng lập phái Pháp tông (Dhammayuttika-nikàya), vốn có rất đông chư tăng, vì thế nên gọi là phái Đại tông (Mahà-nikàya), từ đó, tăng đoàn Thái lan chia ra 2 phái, lưu truyền đến nay. Vua Chu lạp long công (Chulalongkorn, 1868-1901) đời thứ 5, dùng tiếng Thái ấn hành kinh điển Pàli, sáng lập học viện chùa Đại xá lợi làm trung tâm nghiên cứu Pàli cao cấp, học viện Hoàng miện là trung tâm nghiên cứu Phật học cao cấp, viện này đồng thời phát hành tạp chí Pháp nhãn cho mãi đến hiện nay; là tờ báo lâu đời nhất của Phật giáo Thái lan; vua Lạp mã đời thứ 6 (1910-1925) có soạn các sách Phật đà giác ngộ thập mạ, Đông phương Do thái…; vua Lạp mã đời thứ 7 (1925-1934), biên lại Tam tạngPàli; vua Lạp mã thứ 8 (1934-1946) từng tổ chức tăng già Phật giáo phỏng theo hình thức Quốc hội, ngoài Tăng vương(VuaSãi) là vị lãnh đạo tối cao ra còn lập Tăng già bộ trưởng, Tăng già nghị hội, Tăng già pháp đình. Trong thời gian từ Lạp mã thứ 4 đến Lạp mã thứ 6, ngôi Đại tháp Phật thống cao khoảng hơn 120 mét, chu vi 240 mét được xây dựng, đây là ngôi tháp Phật lớn nhất ở Thái lan. Hiện nay, Phật giáo làquốc giáo của Thái lan, chư tăng rất được tôn kính, nghi thức của Hoàng gia, nền giáo dục quốc dân và các hình thức sinh hoạt khác nói chung đều lấy Phật giáo làm khuôn mẫu. Hơn nữa còn qui định con trai đến 20 tuổi phải xuất gia một lần; tăng chúng có quyền phát ngôn rất lớn đối với các tầng lớp xã hội. Giống như Phật giáo Tích lan, Phật giáo Thái lan cũng sử dụng Tam tạng Pàli, thời gần đây cũng có ấn hành Tam tạng bằng tiếng Thái, về sau lại tiếp tục in Tam tạng chú thích và các kinh sách ngoài Đại tạng. [X. Đại đường tây vực kí Q.10; Nam hải kí qui nội pháp truyện Q.1; Cổ kim đồ thư tập thành biên duệ điển 101; Đông tây giao thiệp sử đích nghiên cứu Nam hải thiên; Thái quốc Phật giáo giản sử (Diễn bồi); Nam truyền Phật giáo sử thiên thứ 3 (Tịnh hải)].