thai nội ngũ vị

Phật Quang Đại Từ Điển

(胎內五位) Cũng gọi Kết thai ngũ vị. Đối lại: Thai ngoại ngũ vị. Chỉ cho 5 giai đoạn ở trong thai. Trong truyền thống Phật giáo, khoảng thời gian 266 ngày kể từ khi thai nhi thụ thai trong bụng mẹ đến lúc sinh ra, được chia làm 5 giai đoạn theo thứ tự như sau: 1. Yết lạt lam (Phạm:Kalala), cũng gọi Ca la la, Yết la lam. Hán dịch: Ngưng hoạt (lùng nhùng, nhơ nhớp): Chỉ cho 7 ngày đầu tiên sau khi thụ thai. 2. Át bộ đàm (Phạm: Arbuda), cũng gọi A bộ đàm. Hán dịch: Pháo, kết pháo (nốt phỏng da mọng nước): Chỉ cho khoảng 7 ngày thứ hai (14 ngày). 3. Bế thi (Phạm:Pezì), cũng gọi Tế thi, Bề thi. Hán dịch: Ngưng kết, nhục đoàn (ngưng kết lại thành cục thịt mềm nhũn): Chỉ cho 7 ngày thứ ba (21 ngày). 4. Kiền nam (Phạm: Ghana), cũng gọi Kiện nam, Yết nam. Hán dịch: Ngưng hậu, Ngạnh nhục(ngưng kết lại thành cục thịt dày và cứng): Chỉ cho 7 ngày thứ tư (28 ngày). 5. Bát la xa khư (Phạm: Prazàkha). Hán dịch: Chi tiết, Chi chi(giai đoạn bắt đầu hình thành tay chân), tức thời gian từ 7 ngày thứ 5 (35 ngày) đến 7 ngày thứ 38 (266 ngày, lúc sinh ra) sau khi thụ thai. Ngoài ra, về sự khác nhau của phần vị trong thai thì ở Ấn độ xưa nay có nhiều thuyết: Luận Du già sư địa chia làm 8 vị, Hóa địa bộ và Chính lượng bộ thì chia làm 6 vị, còn ngoại đạo Số luận thì hợp vị thứ 5 vào với vị thứ 4 mà lập thuyết 4 vị. [X. kinh Tăng nhất a hàm Q.30; kinh Niết bàn Q.34 (bản Nam); luận Đại trí độ Q.4; Huyền ứng âm nghĩa Q.23; Tuệ lâm âm nghĩa Q.13].