thạch tháp

Phật Quang Đại Từ Điển

(石塔) Cũng gọi Thạch tốt đổ ba, Thạch tháp bà, Suất tháp bà, Thạch phù đồ, Thạch phật đồ.Một trong các loại tháp bà (Phạm: Stùpa). Vốn là vật kiến trúc được tạo lập để thờ xá lợi Phật, về sau thường được dùng làm bia mộ, như tháp mộ, đá mộ, bia mộ, nên cũng gọi là Thạch bi, được xây dựng để kỉ niệm người chết và tiêu biểu cho đức của họ. Theo kinh Du hành trong Trường a hàm quyển 3, đức Phật dạy trong thế gian có 4 hạng người nên xây tháp để ghi nhớ, đó là Như lai, Bích chi phật, Thanh văn, và Chuyển luân vương. Và để nêu rõ sự sai biệt giữa Như lai và phàm phu, sự cấu tạo tháp cũng có tầng bậc khác nhau. Như tháp Ngũ luân trong Thai tạng giới của Mật giáo là hình Tam muội da tượng trưng đức Đại nhật Như lai. Cứ theo Đại đường tây vực kí quyển 9 thì biết Ấn độ đã có chế độ tháp mộ rất sớm. Ở Trung quốc xưa nay vốn có chế độ bia mộ được dựng theo lăng mộ, bậc vua chúa và người giàu có còn tạc người bằng đá, thú vật bằng đá, cửa khuyết bằng đá…, sau khi Phật giáo truyền đến thì lại dựng thêm bia tháp. Từ thời Lục triều về sau sự tạo lập tháp mộ đã lưu hành rộng rãi, những tháp hiện còn phầnnhiều được tạo lập từ các đời Tùy, Đường về sau. Thạch tháp có rất nhiều chủng loại, như tháp 4 góc 7 tầng, 6 góc 5 tầng, 13 tầng, 9 tầng…, hình dáng và số tầng đều có khác nhau; lại có loại tháp vô phùng, 1 trong đó mang hình quả trứng, gọi là Noãn tháp. [X. phẩm Tứ ý đoạn trong kinh Tăng nhất a hàm Q.19; Hữu bộ tì nại da tạp sự Q.18; Nam hải kí qui nội pháp truyện Q.2; Bạch mã tự trong Lạc dương già lam kí Q.4; Pháp uyển châu lâm Q.29; Lâm gian lục Q.thượng; môn Điện đường trong Thiền lâm tượng khí tiên]. (xt. Tháp).