thạch nữ

Phật Quang Đại Từ Điển

(石女) Phạm: Vandhyà, Bandhyà. Pàli:Vaĩjhà. Dịch mới: Hư nữ. Con gái đá, tức chỉ cho đàn bà không có con, không thể hành dâm. Kinh Đại niết bàn (bản Bắc) quyển 25 (Đại 12, 515 trung) nói: Ví như thạch nữ vốn không thể có con, dù có gắng bao nhiêu công đức, vô lượng nhân duyên đi nữa, cũng không thể có con. Tâm cũng như thế, vốn không có tướng tham, dù tạo tác các duyên, tham cũng không do đâu mà sinh ra được. Luận Nhân minh nhập chính lí (Đại 32, 11 hạ) nói: Tự ngữ tương vi(mình tự mâu thuẫn với lời nói của mình), chẳng hạn như nói mẹ tôi là thạch nữ. Tứ phần luật hành sự sao tư trì kí quyển trung, phần 1, tiết 2 (Đại 40, 287 hạ) nói: Thạch nữ, căn không thể hành dâm. Ngoài ra, Thiền môn cơ ngữ, tức các câu nói có tính cách cơ thiền, thường dùng thạch nữ đối lại với mộc nhân(người gỗ) để dụ chỉ cho việc xa lìa tình thức và diệu dụng thiên chân vô tác. Như Phổ đăng lục quyển 5 (Vạn tục 137, 52 thượng) nói: Thạch nữ múa khúc trường thọ, mộc nhân hát bài ca thái bình. Lại từ ngữ thạch nữ nhi được sử dụng để ví dụ những sự vật không bao giờ tồn tại, như lông con rùa, sừng con thỏ. Phẩm Quán chúng sinh trong kinh Duy ma cật sở thuyết quyển trung (Đại 14, 547 trung) nói: Như lốt chân chim trong hư không, như con của thạch nữ (thạch nữ nhi). [X. luận Đại tì bà sa Q.16; luận Du già sư địa Q.6; Câu xá luận quang kí Q.19; Phiên dịch danh nghĩa tập Q.5].