tây tạng ngữ

Phật Quang Đại Từ Điển

(西藏語) Phạm:Bhoỉabhàzà. Tạng: Bod-skad. Thứ ngôn ngữ mà người Tây tạng và các dân tộc ở những vùng lân cận sử dụng, nhưng thông thường chỉ cho ngôn ngữ cổ điển (Tạng:Chos-skad) được dùng trong kinh Phật, trong văn chương cổ điển và phương ngôn ở vùng Lạp tát (Lha-sa). Tây tạng ngữ bao gồm các phương ngôn miền Tây, Đông, miền Nam và ngôn ngữ tiêu chuẩn ở trung ương. Tiếng Tây tạng ở trung ương là tiếng phổ thông, còn tiếng ở vùng Lạp tát là thứ ngôn ngữ được giai cấp thượng lưu trong xã hội ở Lạp tát sử dụng lại có phong cách riêng. Về nguồn gốc tiếng Tây tạng có nhiều thuyết khác nhau: Có thuyết cho rằng đó là văn tự Ma yết đà của Ấn độ, do quan Đại thần Đoan mĩ tam bồ đề (Tạng: Thonmi-sambhoỉa) du học Ấn độ rồi mang về vào thế kỉ VII. Có thuyết cho rằng đó là văn tự Lan cáp (Lan-tsha) thịnh hành ở Nepal được cải biến thành văn tự Tây tạng. Nhưng, theo sự nghiên cứu, so sánh của các học giả thời gần đây, cho rằng văn tự Tây tạng phỏng theo văn tự hệ Cấp đa (Phạm:Gupta) ở miền Bắc Ấn độ vào thế kỉ VII mà được cấu tạo thành, sau đó, chịu ảnh hưởng sự phiên dịch kinh Phật bằng tiếng Phạm, dần dần hoàn bị hình thái ngôn ngữ văn tự mà trở thành tiếng Tây tạng cổ điển vào thế kỉ IX. Toàn bộ tự mẫu gồm 30 tử âm, 4 mẫu âm, viết theo chiều ngang, văn pháp hơi giống với văn pháp Trung quốc và Nhật bản. Văn tự không sai khác bao nhiêu do thời đại và địa phương, nhưng cách và giọng nói thì tùy theo từng địa phương mà có khác nhau. Văn hóa Tây tạng phát triển đồng thời với Phật giáo Tây tạng, cho nên phần lớn các văn hiến là kinh sách Phật giáo, hoặc có liên quan đến Phật giáo. Mục lục về văn hiến Tây tạng hiện nay chỉ có bộ Tây tạng soạn thuật Phật điển mục lục do trường Đại học Đông bắc ở nước Nhật xuất bản vào năm 1953. Văn hiến về Tây tạng ngữ xưa nhất hiện còn là Đường Phồn Hội Minh Bi(Bia Liên minh giữa nhà Đường và Tây tạng, được lập vào năm 822 tại Lha-sa), các văn bia từ thế kỉ VIII đến thế kỉ X, các bản sách chép tay đào được ở Đôn hoàng và miền Đông Turkestan… [X. Origin of Tibetan Writing, JAOS 38 (1918) by B.Laufer; Sur l’origine de l’écriture tibétaine, JA 231 (1939) par J.Filliozat; Tibetan Studies in Japan (Indogaku Bukkyo gaku, vol.8, No 2, pp. 721-732) by Hajime Nakamura; Vu điền quốc sử (Tự bản Uyển nhã); Tây tạng văn hóa chi tân nghiên cứu (Thanh mộc Văn giáo); Tây tạng, Ấn độ chi văn hóa (Nham tỉnh Đại tuệ)]. (xt. Tây Tạng Phật Giáo).