tập đế

Phật Quang Đại Từ Điển

(集諦) Phạm: Samudaya-satya. Pàli: Samuđaya-ariya-sacca. Gọi đủ: Tập thánh đế (Phạm: Samudayàrya-satya; Pàli: Samudayasacca). Cũng gọi: Khổ tập thánh đế,Khổ tập đế. Chân đế về căn nguyên sinh ra các thống khổ, 1 trong 4 thánh đế, giáo lí cơ bản của Phật giáo. Tập nghĩa là gom nhóm lại. Nếu tâm tương ứng với kết nghiệp thì trong vị lai chắc chắn sẽ gom nhóm các khổ sinh tử, cho nên gọi là Tập. Đế nghĩa là đích thực không hư dối. Xét kĩ tất cả phiền não hoặc nghiệp thì biết chúng có năng lực gom nhóm quả khổ sinh tử trong 3 cõi ở đời vị lai, vì vậy gọi là Tập đế; tức là chân đế về nguyên nhân sinh ra các nỗithống khổ của con người. Nguồn gốc của khổ là khát ái, vì có khát ái nên cấu thành đời sau và thân sau. Hạt nhân của khát ái là ngã kiến hư vọng từ vô minh sinh ra, nếu có khát ái thì liền có sinh tử luân hồi; muốn dứt khổ sinh tử thì phải dùng trí tuệ chiếu rọi chân lí, thực tướng, chứng được Niết bàn, đoạn trừ khát ái vượt thoát khổ luân hồi. Cứ theo các luận Đại tì bà sa quyển 78, phẩm Tứ đế trong luận Thành thực quyển 2, luận Câu xá quyển 22… thì về vấn đề tự tính của Tập đế, các phái thuộc Phật giáo bộ phái đều có quan điểm khác nhau, lược nêu như sau: 1. Đa số các Luận sư A tì đạt ma chủ trương Nhân của các pháp hữu lậu chính là Tập đế. Lậu là tên khác của phiền não.2. Thí dụ sư (Phạm: Dfwỉàntika) thuộc kinh Lượng bộ cho rằng Nghiệp phiền não chính là Tập đế. Nghiệp chỉ cho thân, khẩu, ý tạo tác thiện, ác. 3. Phân biệt luận giả (Phạm: Vibhajya-vàdin) thì chia ra Tập và Tập đế khác nhau, cho rằng chỉ có loại Ái có năng lực đưa đến thân đời sau mới là Tập đế, còn Ái và các nhân hữu lậu khác là Tập chứ không phải Tập đế. Thân sau tức là quả báo sinh tử luân hồi ở vị lai, Ái chỉ cho dục vọng, dục ái, khát ái là nguồn gốc của sinh mệnh. 4. Thuyết nhất thiết hữu bộ thì chỉ cho rằng Ái là tự tính của Tập đế. Ngoài ra, luận Thành duy thức quyển 9 lại chia Tập đế làm 3 loại và theo thứ tự dùng ba tính Duy thức Biến, Y, Viên để thuyết minh. Đó là: 1. Tập khí tập: Tức tập khí do tự tính của Biến kế sở chấp nắm giữ. 2. Đẳng tập khởi: Chỉ cho các nghiệp phiền não nương vào các nhân duyên bên ngoài mà sinh khởi (Y tha khởi). 3. Vị li hệ tập: Chỉ cho Chân như chưa xa lìa được các chướng ngại ô nhiễm. Trong 3 loại Tập trên đây, Đẳng khởi tập tương đương với Tập đế. [X. kinh Tạp a hàm Q.13, 16; kinh Phân biệt thánh đế trong Trung a hàm Q.7; kinh Trường a hàm Q.9; luận Tập dị môn túc Q.6; luận Pháp uẩn túc Q.6].