tạp a tì đàm tâm luận

Phật Quang Đại Từ Điển

(雜阿毗曇心論) Phạm: Saôyuktàbhidharmahfdaya-zàstra. Cũng gọi Tạp a tì đàm tì bà sa, Tạp a tì đàm bà sa, Tạp a tì đàm kinh, Tạp a tì đạt ma luận. Gọi tắt: Tạp tâm luận. Luận, 11 quyển, do ngài Pháp cứu (Phạm: Dharmatràta) soạn, ngài Tăng già bạt ma… dịch, được thu vào Đại chính tạng tập 28. Sách này là một trong những Thánh điển tiêu biểu của Thuyết nhất thiết hữu bộ, là sách chú thích luận A tì đàm tâm của ngài Pháp thắng. Ngoài phần văn gốc gồm 250 bài kệ của luận A tì đàm tâm, ngài Pháp cứu còn thêm phẩm Tựa, phẩm Trạch và 350 bài kệ khác nữa mà thành bộ sách chú thích này với hơn 600 bài kệ, dùng để bổ chính cho luận A tì đàm tâm. Thứ tự các phẩm trong luận này được đặt theo thứ tự của Tứ đế. Về Hán dịch thì có 4 bản: Bản thứ nhất do ngài Tăng già đề bà dịch tại Lạc dương vào cuối những năm Kiến nguyên (365-384) đời Diêu Tần, gồm 16 quyển (hoặc 13 quyển); bản thứ 2 do các ngài Pháp hiển và Phật đà bạt đà la cùng dịch vào đời Đông Tấn, gồm 13 quyển; bản thứ 3 do ngài Y nghiệp ba la dịch vào năm Nguyên gia thứ 3 (426) đời Lưu Tống, cũng gồm 13 quyển; bản dịch thứ 4, tức bản hiện nay, được dịch vào năm Nguyên gia 11 (434) hoặc năm Nguyên gia 12 (435) đời Lưu Tống. Trong 4 bản dịch nói trên thì 3 bản trước đều đã thất truyền. Có rất nhiều sách chú thích bộ luận này, nhưng hiện nay đều không còn. Tạimục 3, tiết 4, chương 10 trong Thuyết nhất thiết hữu bộ vi chủ đích luận thư dữ Luận sư chi nghiên cứu của mình, ngài Ấn thuận đã trình bày tỉ mỉ và thuyết minh rõ ràng về giá trị của Luận này. Ngài Ấn thuận còn cho rằng tên Phạm của Luận này mà giới học giả thường dùng không phù hợp với ý nghĩa của tên gốc. Tức theo đúng ý của tên gốc thì tiếng Phạm phải là Abhidharmahfdaya-vyàkhyà. [X. Xuất tam tạng kí tập Q.2; Lịch đại tam bảo kỉ Q.10; Khai nguyên thích giáo lục Q.3; 5; Đại đường nội điển lục Q.3,4; Cổ kim dịch kinh đồ kỉ Q.3].