tạo tượng

Phật Quang Đại Từ Điển

(造像) Tạo lập hình tượng. Về nguồn gốc của việc tạo tượng vốn là một đề tài lớn cho giới học giả nghiên cứu, thảo luận. Kinh Tăng nhất a hàm quyển 28 chép: Đức Phật lên cõi trời Ba mươi ba, trong 3 tháng hạ Ngài vắng mặt ở Diêm phù đề. Bấy giờ, vua Ưu điền nước Bạt sa cảm thấy nhớ Phật nên ông sai thợ khắc tượng Phật cao 5 thước (1,6m) bằng gỗ chiên đàn; vua Ba tư nặc nước Xá vệ được biết tin này, cũng sai thợ đúc tượng Phật cao 5 thước bằng vàng tử ma. Khi ấy trong cõi Diêm phù đề mới có 2 tượng. Cứ theothiên thứ 5 trong cuốn Trung quốc Phật giáo phát triển sử của học giả Trung thôn nguyên người Nhật bản thời cận đại; Ấn độ vốn cho rằng khắc hoặc vẽ tượng Phật là việc xúc phạm thần thánh, nếu muốn đả phá quan niệm hạn chế này thì phải nhờ sự xung kích bên ngoài, đến từ một nền văn hóa và truyền thống hoàn toàn không bị Phật giáo Ấn độ chi phối, do đó, người đầu tiên khắc tạo tượng Phật là những người thợ Hi lạp, La mã đến nước Kiện đà la để xây dựng tháp Phật. Bởi thế, tượng đức Thích tôn do họ khắc tạo trông giống như tượng thần Hi lạp.