tào động tông

Phật Quang Đại Từ Điển

(曹洞宗) Gọi tắt: Động gia. Phái Thiền lớn của Thiền tông Trung quốc, do ngài Lương giới ở Động sơn khai sáng và đệ tử nối pháp là ngài Bản tịch ở Tào sơn tiếp nối hoàn thành, 1 trong Ngũ gia thất tông ở Trung quốc, 1 trong 13 tông ở Nhật bản. Về tên gọi của tông này có 2 thuyết: 1. Thuyết thứ nhất cho rằng Động chỉ cho núi Động, trụ xứ của ngàiLương giới; Tào chỉ cho núi Tào, nơi ở của ngài Bản tịch, hợp tên 2 trụ xứ của thầy và trò mà thành là Tào động. Đáng lẽraphải gọi là Động tào tông, nhưng vì thói quen nên gọi là Tào động. 2. Thuyết thứ hai cho rằng Tào là từ Tào khê, trụ xứ của đức Lục tổ Tuệ năng, hợp chung với Động là Động sơn, nơi ở của Thiền sư Lương giới–pháp tôn của Lục tổ– mà gọi là Tào động tông, để minh định rằng tông này thuộc dòng phái chính thống của Tào khê. Thiền sư Lương giới ban đầu lễ ngài Linh mặc ở núi Ngũ duệ xuất gia, không bao lâu lên Tung sơn thụ giới Cụ túc, về sau, được ngài Vân nham Đàm thạnh truyền tâm ấn. Khoảng năm Đại trung (847- 859) đời vua Tuyên đông nhà Đường, sư tiếp hóa người học ở núi Tân phong, sau đến Động sơn tại Quân châu để mở rộng sự giáo hóa. Sư soạn Bảo kính tam muội ca, đề xướng gia phong kín nhiệm của tông mình, lập nên Ngũ vị cương bách, nêu rõ sự sâu thẳm của Thiên chính hồi hỗ, chỉ ra rằng công phu tu hành chính là sự diệu dụng của bản lai diện mục. Đệ tử của sư có các vị Vân cư Đạo ưng, Tào sơn Bản tịch. Trong đó, ngài Tào sơn được truyền pháp, có năng lực hơn người, thấu suốt được ý chỉ sâu xa của Ngũ vị, mở mang tông phong ở viện Sùngthọ núi Tào sơn và núi Hà ngọc tại Phủ châu. Về sau, pháp hệ Tào sơn bị dứt hẳn, tông Tào động chỉ còn nương nhờ dòng Vân cư Đạo ưng mà được tiếp nối. Dòng Đạo ưng truyền được 6 đời đến ngài Phù dung Đạo khải, ngài Phù dungkết am tiếp hóa người học bên bờ hồ Phù dung, đệ tử có ngài Đơn hà Tử thuần, học trò ngài Tử thuần có các vị Chân yết Thanh liễu và Thiên đồng Chính giác. Ngài Thanh liễu soạn Tịnh độ thuyết để khuyến tiến người tu Tịnh độ; ngài Chính giác ở núi Thiên đồng tiếp hóa người học hơn 30 năm, đề xướng thiền Mặc chiếu để đối lại với thiền Khán thoại đầu của ngài Đại tuệ Tông cảo thuộc tông Lâm tế. Ngài còn soạn 100 tắc tụng cổ mà người đời gọi là Hoằng trí tụng cổ; Thiền sư Vạn tùng Hành tú bình xướng 100 tắc tụng cổ này lưu truyền ở đời, đó chính là bộ Thung dung lục rất được tông Tào động quí trọng. Dưới ngài Thanh liễu, có các vị Thiên đồng Tông giác, Tuyết đậu Trí giám; ngài Trí giám lại truyền cho ngài Thiên đồng Như tịnh, mở rộng tông phong Tào động. Nói về suy thì tông này không đến nỗi như các tông Qui ngưỡng, Pháp nhãn, còn thịnh thì cũng không bằng được các tông Vân môn, Lâm tế. Từ đời Tống về sau, tông này chiathành3 phái hoằng truyền ở phương bắc: Phái ngài Phúc dụ ở Thiếu thất Tuyết đình, ngài Viên trừng ở Vân môn và ngàiTuệ kinh ở Thọ xương. Còn ngài Phù dung Đạo khải thì truyền được 19 đời đến ngài Vô minh Tuệ kinh, khoảng năm Vạn lịch đời Minh, ngài Tuệ kinh trùng hưng pháp tịch, học trò có các vị: Bác sơn Nguyên lai, Giác lãng Đạo thành, Cổ sơn Nguyên hiền… Ngài Nguyên hiền truyền cho đệ tử Vi lâm Đạo bái; còn ngài Đạo thành thì truyền cho đệ tử Khoát đường Đại văn, ngài Đại văn truyền cho học trò là Hưng trù Tâm việt, ngài Tâm việt, vào năm Khang hi 16 (1677) từng du hóa Nhật bản.Ngài Hihuyền Đạo nguyên người Nhật bản đến núi Thiên đồng ở Trung quốc thụ pháp nơi ngài Như tịnh, rồi truyền tông Tào động về Nhật bản, lấy chùa Vĩnh bình làm bản sơn của tông này, người theo học thường tới hơn 1000 vị, nổi tiếng nhất có các vị: Cô vân Hoài trang, Vĩnh hưng Thuyên tuệ, Liễu nhiên Pháp minh… Ngài Nghĩa doãn của tông này từng được Thiên hoàng Qui sơn (1259-1274) ban cho áo đỏ. Pháp hệ của ngài Nghĩa doãn hưng thịnh, người đời gọi là Hàn nghiêm phái. Ngoài ra còn có ngài Mai nham Nghĩa đông làm chùa Phổ tế, đệ tử có 13 vị tài giỏi, đó là 13 phái Phổ tế. Từ năm 1296 về sau, lại có ngài Oánh sơn Thiệu cẩn du hóa các nơi trong 30 năm, về già, ngài trụ ở chùa Chư nhạc tại Năng đăng, đổiLuật viện thành Thiền viện, lấy tên Chư nhạc sơn Tổng trì tự. Tông Tào động ở Nhật bản đến thời ngài Thiệu cẩn thì phong cách Thiền được thay đổi, chủ trương Chỉ quản đả tọa(chỉ cần tọa thiền), tiếp thu nghi thức cầu nguyện lưu hành trongdân gian và tích cực truyền giáo cho quần chúng phổ thông. Năm Minh trị 31 (1898), chùa Tổng trì bị thiêu hủy, Đại bản sơn được dời về Hạc kiến tại Vũ tạng, còn vùng Năng đăng cũ thì chỉ đặt Biệt viện. Tông phong của tông Tào động là tọa thiền hành đạo, mở ra con đường hướng thượng, lấy việc dò tìm tâm địa người học làm phương pháp tiếp cơ, phương pháp này được gọi là Tào động dụng xao xướng, tức bậc thầy ứng theo nhịp gõ (xao) của người học mà xướng, trong đó không xen tạp hay gián đoạn mảy may. Về phương diện giáo nghĩa, tông này kế thừa yếu chỉ tức sự nhi chân của ngài Hi thiên, nghĩa là ở ngay nơi sự tượng(Sự) cá biệt mà hiển hiện bản thể(chân, tức Lí, chỉ cho Phật tính) của thế giới; Lí và Sự hồi hỗ(tương ứng dung hợp lẫn nhau), từ đó mở rộng thành Quân thần ngũ vị, trên phương diện quan hệ sự lí, thể dụng thuyết minh Sự và Lí bất nhị, Thể và Dụng vô ngại. Tại Nhật bản, các tác phẩm như Chính pháp nhãn tạng của Cao tổ Thiền sư Đạo nguyên, Truyền quang lục của Thái tổ Thiền sư Thiệu cẩn, Tọa thiền dụng tâm kí… đều nhằm mở rộng tông phong của tông Tào động. Thiền chỉ của tông này là tìm cầu sự im lặng bất động, bởi thế đã mất đi phần nào thiền cơ linh hoạt. Do đó, trong lúc tông Lâm tế trở thành chỗ qui hướng của giới quyền quí, thì tông này truyền giáo ở vùng biên thùy trong các tầng lớp thứ dân. [X. Ngũ đăng hội nguyên Q.13; luận Tông môn thập qui; Nhân thiên nhãn mục Q.3; Ngũ gia tông chỉ toản yếu Q.trung].