tăng thượng quả

Phật Quang Đại Từ Điển

(增上果) Phạm: Adhipati-phala. Quả được sinh ra do sức tăng thượng của nhân Năng tác, là 1 trong 5 quả. Vì đây là kết quả hoạt động của nhiều nhân nên cũng gọi là Cộng quả. Trong nhiều trường hợp, Tăng thượng quả là quả của Sở duyên duyên, Đẳng vô gián duyên và Tăng thượng duyên, vì 3 duyên này đều thuộc về Năng tác nhân. Như nhãn căn nương vào Tăng thượng duyên mà sinh ra nhãn thức thì nhãn thức này thuộc về Tăng thượng quả. Còn Năng tác nhân là gọi chung các nhân khác không có quan hệ trực tiếp đối với kết quả. Luận Câu xá quyển 6 (Đại 29, 35 thượng) nói: Vì không chướng ngại nên gọi là Tăng thượng, hoặc Năng tác nhân cũng có sức thù thắng, như 10 xứ giới đối với 5 thức thân, nghiệp của các hữu tình đối với khí thế giới, tai… đối với sự phát sinh của nhãn thức đều có sức đắp đổi tăng thượng, vì nghe rồi liền sinh tâm muốn trông thấy. Theo thuyết trên đây của luận Câu xá thì Năng tác nhân chỉ ở chỗ không chướng ngại, nếu giúp thêm sức thì quả đạt được sẽ là Tăng thượng quả. Lại nữa, thể của Năng tác nhân và Tăng thượng quả có rộng hẹp khác nhau. Vì Năng tác nhân trụ nơi không chướng ngại; bao nhiếp tất cả pháp hữu vi, vô vi, cho nên thể của nó rộng. Còn Tăng thượng quả thì thuộc về pháp nhân quả, chỉ bao hàm pháp hữu vi, cho nên thể của nó hẹp. Luận Đại tì bà sa quyển 21 (Đại 27, 107 trung) nói: Năng tác nhân nhiều, Tăng thượng quả ít, vì Năng tác nhân bao hàm tất cả pháp hữu vi và vô vi, còn Tăng thượng quả thì chỉ bao hàm pháphữuvi. [X. luận Du già sư địa Q.5; luận Tạp a tì đàm tâm Q.3; luận Nhập a tì đạt ma Q.hạ; luận Thành duy thức Q.8].